Nhà sử học Dương Trung Quốc vừa xuất bản cuốn "Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa" với mục đích tập trung phản ánh các sự kiện, công việc thường ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo ông Quốc, trong "Ngày này năm xưa", việc
sắp xếp sinh nhật của Hồ Chủ tịch theo trình tự thời gian đã giúp người
đọc thấy rõ được cách ứng xử rất giản dị, đời thường, tránh hình thức
linh đình của người đứng đầu nước. Trong dịp sinh nhật, Hồ Chủ tịch cũng
hay làm thơ với giọng tự trào để mọi người coi đây là việc bình thường.
|
Bác Hồ và đại biểu phụ nữ dân tộc ít người tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961. Ảnh tư liệu. |
VnExpress.net trích đăng cuốn sách "Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa":
Lần đầu tiên, ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh
được công bố vào năm 1946, do vậy, ngày 19/5/1946 cũng là lần đầu tiên
một hình thức mừng sinh nhật được tổ chức như để biểu thị khối đoàn kết
của nhân dân quanh vị nguyên thủ của một quốc gia non trẻ đang đương đầu
với những thử thách to lớn liên quan đến vận mệnh quốc gia hơn là một
sự sùng bái đối với một lãnh tụ.
Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi lại hình
ảnh các cháu thiếu nhi nội ngoại thành thủ đô vốn là trẻ bán báo hay trẻ
mồ côi tại ngôi trường Bác đã từng đến thăm... đánh trống ếch mang theo
những huy hiệu là các con chữ "i tờ" của phong trào diệt dốt đến tặng
Chủ tịch nước và hát những bài ca cách mạng. Tiếp đó là đoàn đại biểu
các chiến sĩ Nam bộ từ chiến trường ra công tác và đoàn đại biểu Văn hóa
Cứu quốc đến chúc thọ người khởi xướng và lãnh đạo cuộc Cách mạng Giải
phóng Dân tộc.
Đáp lại tình cảm của mọi người, Bác nói với các chiến
sĩ Nam bộ: "Thật ra, các báo ở đây làm to cái ngày sinh nhật của tôi,
chứ tuổi năm mươi sáu chưa có gì đáng được chúc thọ, cũng hãy còn như là
thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây,
tôi thật lấy làm xấu hổ vì trong Nam chưa được thái bình".
Còn với các chiến sĩ văn hóa đến xin khẩu hiệu cho
phong trào "Đời sống mới", Bác đề xuất câu: "Cần kiệm liêm chính, chí
công vô tư" và giải thích: "Hàng ngày ta phải ăn cơm, uống
nước, phải thở khí trời mà sống. Những việc đó ngày xưa ông cha ta phải
làm, bây giờ chúng ta phải làm, con cháu ta sau này cũng phải làm. Vậy
ăn cơm, uống nước và thở khí trời để đem lại cuộc sống cho con người thì
đó là những việc không khi nào trở thành cũ cả. "Cần kiệm liêm chính,
chí công vô tư" đối với đời sống mới cũng vậy".
Ngày 19/5/1947, giữa lúc chiến tranh lan rộng ra cả
nước, sinh nhật Bác diễn ra tại một địa điểm bí mật trên chiến khu ở Sơn
Dương (Tuyên Quang) chỉ với một bó hoa rừng của những người thân cận
đang bảo vệ người đứng đầu cuộc kháng chiến. Nhưng Bác đã dành bó hoa ấy
để đi viếng người cấp dưỡng của mình vừa qua đời vì sốt rét.
Đáp lại những lời chúc mừng sinh nhật vào năm 1948,
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể
và các tầng lớp nhân dân. Thư có đoạn: "Đồng bào yêu mến chúc thọ tôi,
tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy? Tôi chỉ có một
cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực, chịu khổ, quyết cùng
đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, quyết cùng đồng bào
tranh lại thống nhất và độc lập thật sự cho Tổ quốc, quyết cùng đồng bào
làm thế nào cho con cháu chúng ta và muôn đời về sau được sung sướng và
tự do".
|
Bác Hồ đến thăm hội nghị phổ biến máy cấy công cụ cải tiến ở Từ Liêm, Hà Nội, tháng 7/1960. Ảnh tư liệu. |
Vào dịp 19/5/1949, đáp lại đề nghị tổ chức lễ sinh
nhật, Bác làm bài thơ "Không đề": "Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà / Năm
mươi chín tuổi vẫn chưa già / Chờ cho kháng chiến thành công đã / Bạn sẽ
ăn mừng sinh nhật ta”. Sau ngày sinh nhật, Bác gửi thư cảm ơn các tầng
lớp nhân dân đã mừng thọ và hẹn: "Đến ngày toàn quốc ăn mừng hoàn toàn
thắng lợi, trong cuộc kỷ niệm to ấy, tôi sẽ vui vẻ tiếp đồng bào và
chiến sĩ, kèm thêm một kỷ niệm nhỏ là Ngày sinh nhật của tôi".
Ngày 19/5/1950, trong một cuộc họp cán bộ các cơ quan
Trung ương ở Thác Dẫng (Tuyên Quang), đáp lại tình cảm của mọi người,
Bác làm một bài thơ tự cảm về tuổi tác của mình: "Sáu mươi tuổi hãy còn
xuân chán / So với ông Bành vẫn thiếu niên / Ăn khỏe ngủ ngon, làm việc
khỏe / Trần mà như thế kém gì tiên!".
Đến dịp 63 tuổi (19/5/1953), Bác làm bài thơ chữ Hán
"Thất cửu": "Nhân vị ngũ tuần thường thán lão / Ngã kim thất cửu chính
khang cường / Tự cung thanh đạm, tinh thần sảng / Tố sự thung dung nhật
nguyệt trường”. (Nhà thơ Xuân Thủy dịch: "Chưa năm mươi đã kêu già / Sáu
ba, mình vẫn nghĩ là đang trai / Sống quen thanh đạm nhẹ người / Việc
làm tháng rộng ngày dài ung dung").
Ngày 19/5/1954, lễ mừng sinh nhật hòa chung với không
khí đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ bằng cuộc gặp gỡ của Bác với đại
biểu là những chiến sĩ có thành tích tiêu biểu từ chiến trường trở về
chiến khu. Bác đã gắn huy hiệu cho chiến sĩ trẻ bắt sống tướng De
Castries. Và trong cuộc gặp còn có một vị khách đặc biệt là nhà điện ảnh
Xô viết Roman Karmen, người đang thực hiện những bộ phim về Điện Biên
Phủ và cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Sau ngày hòa bình, Bác thường vắng mặt ở nhà để tránh
những cuộc tiếp mừng sinh nhật. Ngày 19/5/1958, Bác đi thăm chùa Hương;
Dịp sinh nhật năm 1959, Bác đi thăm chùa Tây Phương.
|
Bác Hồ và các cháu thiếu nhi vui liên hoan văn nghệ nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, tháng 5/1969. Ảnh tư liệu. |
Từ năm 1960 đến 1967, vào trung tuần tháng 5, Bác
thường sang Trung Quốc để làm công tác ngoại giao, tranh thủ nước bạn
ủng hộ cuộc kháng chiến đang diễn ra ngày càng ác liệt ở trong nước.
Riêng ngày 19/5/1965, trong dịp sang Trung Quốc, Bác
thăm Khúc Phụ, quê hương của Khổng Tử và làm bài thơ "Phỏng Khúc Phụ":
"Ngũ nguyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ / Cổ tùng cổ miếu lương y hy / Khổng
gia thế lực kim hà tại / Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi”. (Đặng Thai
Mai dịch: "Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ / Miếu xưa vẫn dưới bóng
tùng xưa / Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ? / Lấp loáng bia xưa chút ánh
tà").
Ngày 19/5 của 2 năm cuối cùng (1968 và 1969), vào
khoảng thời gian từ 9 đến 10h sáng, Bác đều dành để xem và sửa lại "Di
chúc", sau đó tiếp chị Phan Thị Quyên (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) và
chị Nguyễn Thị Châu (cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên và Sinh viên giải
phóng khu Sài Gòn - Gia Định). Dường như vào thời điểm chiến tranh còn
gian khổ và nước nhà chưa thống nhất, những tình cảm sâu nặng nhất Bác
luôn muốn dành cho miền Nam ruột thịt. |