Học nhóm để ôn thi
Em Nguyễn Công Vẻ ở thôn An Dương, xã Phú Thuận (Phú Vang,
Thừa Thiên - Huế) nộp hồ sơ dự thi ĐH Marketing TP.HCM. Sau khi thi tốt
nghiệp THPT, Vẻ không tìm đến các lò luyện thi cấp tốc ở TP mà tập trung thời gian tự ôn luyện tại nhà.
Theo Vẻ, chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản là đã có khả năng
trúng tuyển vào ĐH: “Các lò luyện thi cấp tốc cũng chủ yếu truyền đạt
lại kiến thức cơ bản nên học vừa tốn tiền lại vừa mất thời gian” - Vẻ
cho biết.
Tự ôn luyện cũng là lựa chọn chung của phần lớn học sinh
khu vực nông thôn Thừa Thiên - Huế. Như ở Trường THPT Thuận An (huyện
Phú Vang), mỗi lớp khối 12 chỉ có vài ba học sinh đến các lò luyện thi
cấp tốc sau khi thi tốt nghiệp THPT.
Nhiều học sinh còn học nhóm để giúp nhau bổ sung kiến thức. Em
Lê Văn Truyền ở xã Phú Mỹ (huyện Phú Vang), tâm sự: “Nhờ học nhóm
nghiêm túc nên em củng cố được rất nhiều kiến thức. Vì vậy dù không đến
các lò luyện thi cấp tốc nhưng khả năng trúng tuyển vào ĐH của em sẽ rất
cao”.
Đến ngày 6.6, hầu hết các lò luyện thi cấp tốc ở TP.Huế đều đã
khai giảng. Tuy nhiên, đến đây hầu hết là học sinh khu vực thành thị,
học sinh nông thôn chỉ chiếm số ít. Thực trạng chung của nhiều lò luyện
thi là phòng học sơ sài, chật chội và thiếu ánh sáng, phương pháp dạy
học chủ yếu là thầy đọc - trò chép.
Em Nguyễn Thị Quyên - một trong số ít học sinh nông thôn vừa
đến luyện thi cấp tốc tại trung tâm luyện thi trên đường Phan Đình
Phùng, TP.Huế, cho biết, em sẽ về nhà tự luyện thi vì giáo viên của
trung tâm truyền thụ kiến thức vừa khó hiểu, vừa không nhiệt tình. “Có
đến lò luyện thi mới biết tự học nghiêm túc là cách hiệu quả nhất để nắm
vững được kiến thức, vừa giảm bớt gánh nặng chi phí cho gia đình ”- Quyên nói.
Học chỗ quen biết
Phạm Văn Kế (ở Kiến Xương, Thái Bình) đăng ký dự thi vào ĐH Mỏ
- Địa chất Hà Nội cho biết, năm nay 100% học sinh trong lớp em không đi
Hà Nội ôn thi. Lớp học ôn của em do các thầy cô giáo trong trường THPT dạy, nhưng được tổ chức riêng theo kiểu trung tâm luyện thi.
Lớp được mở từ đầu năm học và thuê nhà dân ngay cạnh trường
nên rất tiện. Giáo viên trên lớp cũng chính là giáo viên dạy ôn nên biết
được học sinh yếu chỗ nào để bổ sung kiến thức. Việc quen “gu” giảng
của giáo viên cũng giúp cho các em tiếp thu bài dễ hơn. Các lớp ôn được
chia thành 3 ca, sáng, chiều và chiều tối để học sinh có thể lựa chọn
lịch phù hợp.
Kế cho biết, đa số các bạn trong lớp em theo học ở điểm ôn
luyện này. “Các anh chị khóa trước ôn tập ở đây đỗ ĐH cũng nhiều nên
chúng em rất yên tâm”.
Giống như Kế, cô bạn cùng lớp Trần Khánh Linh cũng ôn thi
trường làng. Theo tính toán của Linh, lên Hà Nội ôn vừa tốn tiền, vừa
mệt mỏi vì nắng nóng, không khí ngột ngạt. Ở nhà ôn thi vừa mát mẻ, quen
thầy cô, quen bạn bè, không hiểu bài sẽ hỏi lại dễ dàng hơn, lại được
bố mẹ chăm sóc chu đáo.
Ôn thi tại trường cũng là lựa chọn của em Đặng Trà My ở thị xã Cao Bằng. Dù gia đình kinh tế khá giả, nhưng My không nghĩ đến việc về thủ đô ôn luyện.
“Lớp ôn thi ĐH của em đã kết thúc chương trình từ cuối tháng
5, bây giờ chỉ tập trung vào giải đề và nghe thầy cô nói kỹ hơn về
phương pháp làm bài. Thời công nghệ số, không nhất thiết phải đi mấy
trăm cây số mới có lớp ôn tốt” - My nói.