Máy bay không người lái trang bị camera
Với thiết kế nhỏ gọn và được trang bị camera độ nét cao, các loại máy bay không không người lái có thể chụp ảnh, quay video từ trên không và dưới nước, hỗ trợ nghiên cứu khoa học hoặc giám sát công nghiệp.

1. DraganFlyer X6

Máy bay trực thăng DraganFlyer X6 được thiết kế để chụp ảnh và quay video trên không với độ nét cao. DraganFlyer X6 có thể bay ở độ cao 2.400 m so với mặt đất và bay liên tục 15-20 phút. Chiếc máy bay được điều khiển từ xa, trang bị hệ thống kiểm soát camera, hệ thống truyền dẫn video và thiết bị đo thời gian bay. DraganFlyer X6 được làm từ vật liệu sợi carbon và có tính bền cao. Đây được coi là công cụ hữu ích để chụp ảnh động vật hoang dã từ trên không, giám sát công nghiệp, sản xuất video, nghiên cứu khoa học...

2. Storm Drone 4

Storm Drone 4 là một loại máy bay quadcopter được trang bị máy ảnh GoPro để chụp ảnh trên không và quay video độ nét cao. Chiếc máy bay có kích thước nhỏ nhưng có thể bay trong 6-7 phút. Storm Drone 4 được trang bị hai đèn LED màu trắng ở phía trước và hai đèn LED màu đỏ ở phía sau, có thể tạo ra các hiệu ứng thú vị vào ban đêm.

3. AR.Drone 2.0

AR.Drone 2.0 là loại máy bay không người lái được điều khiển bằng điện thoại thông minh, có thể chụp ảnh và quay video độ nét cao. Với ứng dụng Parrot, người dùng có thể điều khiển chiếc máy bay cất cánh, chuyển động bay lượn hoặc nhào lật. 

4. Pocket Drone

Pocket Drone là một loại máy bay không người lái được điều khiển từ xa, trọng lượng nhẹ và có thể gấp lại khi không sử dụng. Nó có thể bay khoảng 1.500 m trong vòng 20 phút. Pocket Drone có tính năng duy trì ổn định khoảng cách ở phía trước và phía sau khi người điều khiển di chuyển.

5. EYE-Droid 4

Máy bay không người lái EYE-Droid 4 có trọng lượng nhỏ, kích thước gọn nhẹ, có thể mang theo nhiều loại máy ảnh khác nhau. Đây được coi là loại máy bay "sẵn sàng bay" với tính năng cho phép một hoặc hai người cùng điều khiển, trong đó một người tập trung vào các vị trí di chuyển, người còn lại quản lý các hướng chụp của máy ảnh.

(Nguồn: Theo LiveScience )