Biến rơm rạ thành 'vàng đen'
Mỗi năm, có khoảng 40 triệu tấn rơm rạ và trấu bị đốt bỏ vì không biết dùng để làm gì. Gần đây, Viện Môi trường nông nghiệp đã hướng dẫn người dân nung rơm trong điều kiện yếm khí để biến chúng thành loại than sinh học...
Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Phương ở Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội có 5 sào lúa. Sau mỗi vụ thu hoạch, chị Phương lại đem rơm rạ đốt đi nhằm giải phóng mặt bằng, đỡ công vận chuyển cũng như lấy luôn tro để bón ruộng. Thế nhưng hơn 1 năm nay, chị Phương và nhiều hộ nông dân khác đã có một phương pháp mới biến chất thải nông nghiệp thành một loại than sinh học tốt cho cây trồng.

Hiệu quả cao

Theo chị Phương, cách làm khá đơn giản. Chỉ cần chuẩn bị một lò nung được xây bằng gạch chịu nhiệt hoặc một thùng sắt để chứa từ 5-10 kg rơm rạ trở lên. “Rơm rạ được cho vào thùng rồi đó châm lửa đốt. Điểm mấu chốt của kỹ thuật này là chọn thời điểm để dập lửa. Khi thấy nhiệt độ thùng có thể làm cháy toàn bộ rơm rạ trong thùng thì phải đóng cửa lò. Dập lửa đúng thời điểm sẽ giúp tạo thành than chứ không phải là tro”, chị Phương, nói.

Sản xuất than sinh học từ rơm rạ và trấu tại Nam Sách, Hải Dương
(Ảnh: Minh Cường)


TS Mai Văn Trịnh, Phó viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho biết, rơm rạ được đưa vào lò và nung dưới nhiệt độ 500- 600 độ C. Trong điều kiện yếm khí không có ôxy và trong điều kiện áp suất lớn, cácbon sinh khối không bị cháy toàn bộ mà ở dạng giữa khoáng và hữu cơ. Khói tỏa ra từ các lò đốt cũng không phải là CO2 mà chỉ là hơi nước nên không gây hại tới môi trường. Sau một vài giờ, nguồn sinh khối này sẽ tự chuyển hóa thành than mà nông dân có thể dùng làm phân bón ruộng cho cây trồng.

Trong điều kiện thời tiết nhiệt đới ẩm Việt Nam, than sinh học có tốc độ phân hủy chậm sẽ giúp làm chậm quá trình thoái hóa đất, chống bạc màu, giảm độ chua, tăng hiệu quả sử dụng phân lên gấp 2 đến 3 lần.

“Cách làm này sẽ giữ được gần như toàn bộ thành phần chất dinh dưỡng có trong rơm rạ và các nguồn sinh khối nông nghiệp khác, đặc biệt là gần 50% lượng cácbon. Lượng cácbon này sẽ giúp vi sinh vật trong đất phát triển, thúc đẩy quá trình cải tạo đất và tăng năng suất cây trồng” TS Trịnh cho biết.

Tiềm năng lớn

Sản xuất than sinh học từ phế phụ phẩm nông nghiệp đang được bà con nông dân ở nhiều nơi như huyện Từ Liêm, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), huyện Nam Sách (Hải Dương), Thành phố Hưng Yên (Hưng Yên)… ứng dụng. Anh Trần Đăng Biết, xã Trung Nghĩa, Thành phố Hưng Yên phấn khởi cho biết, nhờ có phương pháp mới, phế phụ phẩm của hơn 4 sào ruộng gia đình anh đã không còn bị bỏ phí mà được làm thành than sinh học, phục vụ gieo cấy, trồng trọt. Bón than sinh học khiến cây cối xanh tốt hơn, ít sâu bệnh, tăng khả năng chịu hạn.

Kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp cho thấy, hàng năm ở Việt Nam nguồn sinh khối nông nghiệp là rất lớn, ước tính khoảng trên 60 triệu tấn. Riêng lúa, mỗi năm Việt Nam sản xuất gần 40 triệu tấn thóc. Nếu tính trung bình 1 tấn thóc sẽ cho ra 1 tấn phế thải thì mỗi năm có khoảng 40 triệu tấn rơm rạ và trấu. Ngoài ra, còn có thân ngô, đậu tương, thân lá mía và một số cây trồng khác như cao su, chè…

Theo TS Mai Văn Trịnh, tại nhiều nước phát triển, than sinh học không chỉ cải tạo đất mà còn được sử dụng làm năng lượng, chất đốt thay cho than đá, dầu mỏ đang có nguy cơ cạn kiệt hay làm vật liệu xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, nước nhiễm kim loại nặng. Tại Nhật Bản, than sinh học còn được cấy thêm vi sinh vật để xử lý chất thải nhà vệ sinh, bảo vệ môi trường.

Trong tương lai gần, mô hình sản xuất than sinh học này sẽ được triển khai rộng rãi tại nhiều địa phương khác trong cả nước. Những lò đốt than sinh học có quy mô lớn dự kiến sẽ được đặt tại các nơi công cộng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện sau mỗi vụ mùa thu hoạch.
(Nguồn: datviet )