Chiếc máy tính đầu tiên của thế giới
Vào tháng 2/1946, hai ông J. Presper Eckert và John Mauchly đã đưa ra giới thiệu chiếc máy tính điện tử đầu tiên trên thế giới. Chiếc máy tính ENIAC (Electronic Numerical Integrator and Computer) của họ có khả năng xử lý được 5.000 phép tính cộng trong mỗi giây, nhanh hơn bất cứ thiết bị nào ở thời điểm đó.
Các nhà khoa học biết rằng họ đã tạo ra một thứ có thể làm thay đổi lịch sử, nhưng họ đã không biết làm thế nào để truyền đạt bước đột phá của mình tới công chúng. Bởi vậy, họ đã sơn các con số lên một vài bóng đèn và bắt “những mặt cầu mờ” hiển thị kết quả lên các bảng điều khiển của ENIAC. Từ đó về sau, trong tâm trí của mọi người, máy tính đã gắn chặt với những chiếc bóng đèn nhấp nháy, hào nhoáng.

Sự quảng cáo nho nhỏ này sau đó đã chứng tỏ rằng nó hoàn toàn phù hợp với tầm quan trọng của ENIAC. Trong tuần này, tại Trường Điện tử và Cơ khí Moore thuộc Trường ĐH Pennsylvania, người ta sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày ra đời của chiếc máy tính này.

Rất nhiều nhà sử học thừa nhận rằng đã có những chiếc máy tính khác còn ra đời sớm hơn ENIAC nhiều, thí dụ như chiếc Z3 ở Đức, chiếc Colossus ở Anh, hay chiếc Atanasoff-Berry Computer tại bang Iowa (Mỹ). Nhưng ENIAC đã làm được một việc quan trọng hơn nhiều: nó kích thích trí tưởng tượng của các nhà khoa học và giới công nghiệp.


Trong một vài năm, máy tính đã xâm nhập vào các trường đại học, các cơ quan thuộc chính phủ, ngân hàng và các công ty bảo hiểm. Một chiếc máy tính UNIVAC (tất nhiên là vẫn có những chiếc bóng đèn trang trí), được chế tạo bởi công ty do Eckert và Mauchly thành lập, đã dự báo được kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 1952, trong khi một chiếc khác xuất hiện trong một bảng quảng cáo về một tiến bộ mới trong khoa học. Còn chiếc máy dò mật mã của người Anh, chiếc Colossus, đã trở nên nổi tiếng trong giới quân sự. Nhưng nó đã bị phá hủy sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 và còn nằm trong vòng bí mật hàng chục năm sau đó.

So với những chiếc máy tính thực hiện các chức năng thực tiễn khác, ENIAC là một con chim lạc đàn theo khía cạnh kỹ thuật. Nó sử dụng một hệ thống thập phân 10 con số, chứ không phải là các hệ thống nhị phân bao gồm các con số 0 và 1 được gần như toàn bộ các máy tính sau này sử dụng, thậm chí ngay cả các hệ thống mà Eckert và Mauchly phát triển sau này. Các chương trình không thể lưu trữ trên ENIAC. Nó thực ra không sử dụng các phân nhánh điều kiện, các câu lệnh if/then tạo nên nền móng của việc lập trình hiện đại. Và trong thực tế, cũng chỉ có duy nhất một hệ thống ENIAC được chế tạo ra.

Ông Jay Forrester, giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts và cũng là một trong những kiến trúc sư máy tính hàng đầu của thế kỷ trước, chỉ trích: “Nó (ENIAC) là một thứ quái dị. Nó nhanh chóng bị những chiếc máy đa năng khác qua mặt. Ngày nay, trong những chiếc máy tính hiện đại chẳng còn gì giống với nó nữa, ngoại trừ dòng điện”.



Bảo trì chiếc máy tính

Nhưng những người ủng hộ ENIAC thì đáp lại bằng một thực tế không thể chối cãi: Nó đã hoạt động. Cho tới khi bị sét đánh hỏng vào năm 1955, ENIAC đã thực hiện các bài toán liên quan tới việc phát triển bom H và các dự án quân sự khác. Giáo sư Irving Brainerd của ĐH Pennsylvania thậm chí đã có lần ước tính rằng trong suốt 80.223 giờ hoạt động của ENIAC, nó đã xử lý được nhiều phép tính hơn so với tổng số các phép tính mà loài người đã thực hiện kể từ thời cổ đại.

Trong một bức thư điện tử, ông Harry Huskey, một trong những kỹ sư chế tạo ENIAC và hiện đã 90 tuổi, nói: “Một số người, đánh giá theo tốc độ thay thế các bóng điện tử trong những chiếc đài phát thanh, nói rằng chiếc máy tính này không thể chạy trong vòng 5 phút. Tuy nhiên, tất cả các bóng điện tử đã được chạy thử trong vòng 100 giờ, bởi thế đó không phải là một vấn đề”.

Một vài đối thủ cạnh tranh với ENIAC, thí dụ như ABC và Z3, có tốc độ chậm hơn nhiều và chỉ có thể xử lý những bài toán nhỏ. Thậm chí đã xuất hiện một cuộc tranh cãi về việc liệu ABC, vốn mới chỉ xử lý các phép tính trong các cuộc trình diễn, đã được hoàn thành hay chưa. Và rốt cuộc, kinh nghiệm của các nhà phát minh ra những chiếc máy đó đã trở thành một giai thoại về cái tôi của các nhà khoa học.
(Nguồn: Sưu tầm )
Đang mở...