Mỹ lo ngại ngô biến đổi gene
Ngô biến đổi gene được tạo ra để kháng lại các loại sâu bệnh có thể mất đi tính năng này, bởi một loại sâu có khả năng thích nghi với giống cây mới rất nhanh chóng.
Nông dân ở Mỹ đang thu hoạch ngô. Ảnh: AP.

Được giới thiệu vào năm 2003, giống ngô Bt dường như đáp ứng mơ ước của người nông dân trong việc giúp họ có mùa màng bội thu, đồng thời có ít hóa chất hơn vì tự bản thân nó đã tạo ra chất độc để tiêu diệt sâu bọ.

Giống ngô lai này đã nhanh chóng được sự hưởng ứng của người dân và chiếm tới 65% diện tích ngô trên khắp nước Mỹ.

Tuy nhiên, trong vài mùa hè qua, sâu ăn rễ đã sinh sôi nhanh chóng ở rễ của ngô Bt, tại nhiều khu vực thuộc 4 bang miền trung tây nước Mỹ. Điều này cho thấy một số côn trùng đang làm mất đi tính năng kháng sâu bọ của giống ngô Bt, AP đưa tin.

Nhà côn trùng Kenneth Ostlie, Đại học Minnesota cho biết mức độ nghiêm trọng của sâu hại rễ gây ra cho ngô Bt đã được cảnh báo từ năm 2009, ông lo ngại sâu hại rễ sẽ lây lan mạnh hơn nếu không có biện pháp rõ ràng.

Công ty Mosanto đã tạo ra giống ngô Bt bằng cách cấy gen Bacillus thuringiensis (Bt) vào ngô - một loại vi khuẩn sống dưới đất sản xuất ra một loại protein có thể tiêu diệt côn trùng có hại ở cây ngô.

Bt có trong thuốc diệt vi khuẩn được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống nông nghiệp thông thường và hệ thống nông nghiệp hữu cơ suốt gần 50 năm.

Quá trình sâu ăn rễ sẽ phát triển khả năng kháng lại độc tố sinh ra do gene Bacillus thuringiensis với tốc độ nhanh hơn mà các nhà khoa học nghĩ tới.

Cơ quan bảo vệ môi trường gần đây đã khiển trách Monsanto, cho rằng công ty đã không làm đúng trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trên. Nhưng Monsato khẳng định không có bằng chứng kết luận sâu hại rễ trở nên miễn dịch với cây trồng.

Một số nhà khoa học lo ngại có thể đã quá muộn để ngặn chặn sự gia tăng của sâu đục rễ, vì phần lớn người dân đều trồng cây ngô như nguồn lương thực chính.

(Nguồn: Vnexpress )