9 nhà phát minh công nghệ qua đời năm 2012
Tạp chí Wired thống kê năm 2012 vừa rồi có 9 người nổi tiếng cống hiến cho công nghệ thế giới đã qua đời. Họ đều là những con người xuất chúng, đã phát minh ra các thiết bị hay các sản phẩm giúp ích rất nhiều cho nhân loại trong suốt cuộc đời. Có thể kể đến như cha đẻ của máy tính Commodore 64, người đã phát minh ra chiếc điều khiển TV không dây, người phát minh ra máy tính xách tay dạng nắp gập hay nhà phát minh ra mã vạch... Ngoài lời chia buồn, chúng ta nên gửi lời cảm ơn sâu sắc tới những cá nhân này vì những đóng góp của họ cho cuộc sống của chúng ta.
Tạp chí Wired thống kê năm 2012 vừa rồi có 9 người nổi tiếng cống hiến cho công nghệ thế giới đã qua đời. Họ đều là những con người xuất chúng, đã phát minh ra các thiết bị hay các sản phẩm giúp ích rất nhiều cho nhân loại trong suốt cuộc đời. Có thể kể đến như cha đẻ của máy tính Commodore 64 , người đã phát minh ra chiếc điều khiển TV không dây, người phát minh ra máy tính xách tay dạng nắp gập hay nhà phát minh ra mã vạch ... Ngoài lời chia buồn, chúng ta nên gửi lời cảm ơn sâu sắc tới những cá nhân này vì những đóng góp của họ cho cuộc sống của chúng ta.

Jack Tramiel - Người làm ra máy tính Commodore 


Là con của một gia đình người Do Thái, Jack Tramiel sinh ra tại Ba Lan vào năm 1928. Trước khi bị chuyển tới một trại lao động ở Đức cùng cha mình, Jack đã bị đưa đến trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã. Sau đó, ông được thả tự do vào năm 1945 và chuyển tới Mỹ năm 1947, trước khi thành lập ra công ty Commodore giữa những năm 1950. Mẫu máy được coi là thành công nhất với doanh số bán ra cao kỷ lục của Commodore chính là Commodore 64 được giới thiệu năm 1982. Theo ước tính, đã có khoảng 22 tới 30 triệu máy Commodore 64 được bán ra, biến nó trở thành chiếc máy tính gia đình bán chạy nhất. Thành công của Commodore một phần tới từ giá bán của nó, nó rẻ hơn nhiều so với Apple II hay IBM PC thời bấy giờ. Một câu nói nổi tiếng của Jack Tramiel đó là "Chúng tôi sản xuất máy tính cho toàn bộ" còn "Họ sản xuất máy tính cho giai cấp", ông nhìn vào Steve Wozniak (đồng sáng lập ra Apple) và nói như vậy. Jack buộc phải rời khỏi Commodore vào năm 1984 và ông qua đời tháng 4 vừa rồi ở tuổi 83.

Eugene Polly - Người phát minh ra điều khiển TV không dây


Chiếc điều khiển TV (remote) ban đầu cần phải có dây nối với TV và bạn phải đứng dậy và di chuyển gần TV để chọn kênh nhưng phát minh của Eugene Polly đã khiến việc giải trí ở phòng khách đơn giản và tiện nghi hơn. Năm 1955 khi đang làm việc tại công ty sản xuất TV Zenith Electroncis, Eugene Polly đã phát minh ra chiếc điều khiển TV không dây đầu tiên với tên gọi Flash-Matic. Chiếc điều khiển TV không dây đầu tiên không giống những gì chúng ta thấy ngày nay, nó có hình dáng của một khẩu súng đồ chơi. Bây giờ thì điều khiển TV đã nhỏ hơn và có nhiều chức năng hơn. Eugene Polly qua đời năm nay ở tuổi 96. Ngoài Flash-Matic, Eugene Polly còn phát minh ra đĩa video và đài FM trên xe hơi có nút bấm.

Bill Moggridge - Nhà sáng chế ra MTXT đầu tiên dạng gấp


GRiD Compass là chiếc máy tính xách tay đầu tiên trên thế giới có cơ cấu dạng nắp gập và nó được thiết kế bởi Bill Moggridge. Ông sinh ra ở Luân Đôn nhưng sau đó sang Mỹ sinh sống và làm việc. Ông làm việc cho một công ty chuyên về thiết kế tại thung lũng Silicon, đơn vị thường hợp tác với những công ty sản xuất máy tính cá nhân như Apple hay GRiD Systems. Chiếc MTXT đầu tiên có dạng nắp gập như ngày nay ban đầu được bán với giá 8150 USD và nặng 4,9kg. Bill Moggridge qua đời năm nay ở tuổi 69.

Stanford Ovshinsky - Nhà phát minh chất bán dẫn silicon vô định hình


Năm 1968, nhà phát minh tự học Stanford Ovshinsky đã mở một buổi hội thảo nhằm giới thiệu thế hệ bóng bán dẫn mới sử dụng nguyên lý mà ông gọi là Ovonics. Đây là thế hệ bóng bán dẫn làm từ thủy tinh và nhờ nó mà máy tính có thể hoạt động ở trên bàn hay TV có thể treo trên tường. Chất bán dẫn vô định hình do Ovshinsky phát minh giúp tạo ra những thiết bị rẻ hơn, nó đặt nền móng cho nhiều sản phẩm sau này như pin mặt trời, màn hình phẳng, pin hydride nickel-metal sử dụng trong những năm 80 và 90. Điều đặc biệt là ông không có bất kỳ bất kỳ bằng đại học nào và bỏ dở chương trình học cấp 3. Stanford Ovshinsky qua đời vào tháng 10 vừa rồi ở tuổi 89.

Joe Woodland - Người tạo ra mã vạch


Joe Woodland là người đã phát minh ra mã vạch được sử dụng trên nhiều loại hàng hóa cho tới ngày nay. Mã vạch lần đầu tiên được ông giới thiệu vào cuối những năm 1940, sau khi gia nhập IBM , ông giúp đưa mã vạch trở nên phổ biến tại các siêu thị. Ngày nay, người ta ước tính có 5 tỉ mã vạch được quét mỗi ngày. Ít ai biết được rằng Joe Woodland đã nghĩ ra ý tưởng này khi ông kẻ những vạch trên cát khi nghỉ ở bãi biển Miami. Ông hưởng thọ 91 tuổi.

Willis Whitfield - Người phát minh ra phòng sạch


Phòng sạch (clean room) là thuật ngữ dùng để chỉ môi trường không vi khuẩn, bụi, vi trùng và nó được phát minh bởi Willis Whitfield. Ông phát triển ý tưởng của mình khi làm nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm quốc gia Sandia thuộc New Mexico. Phòng sạch ra đời đã cho phép các công ty có thể sản xuất những vi xử lý và các thiết bị trên nền silicon khác cho tới ngày nay. Ông vừa qua đời đầu tháng 12 vừa rồi ở tuổi 92.

Ernest Kaye - Kỹ sư phát triển máy tính doanh nghiệp đầu tiên


Trước khi qua đời vào tháng 5 vừa rồi ở tuổi 89, Ernest Kaye là thành viên cuối cùng còn sống trong đội ngũ đã tạo ra chiếc máy tính doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới: Lyons Electronic Office hay LEO. Kaye (người đứng thứ hai từ trái ở hàng giữa) phụ trách thiết kế bảng mạch được sử dụng trong LEO, bảng mạch này dựa trên máy tính EDSAC được phát triển bởi trường Đại học Cambridge. Năm 1951, LEO bắt đầu được đưa vào sử dụng và chạy chương trình doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới.

Robert Christy - Nhà vật lý học thuộc dự án Manhattan


Robert Christy là nhà vật lý phụ trách thiết kế một thành phần mấu chốt trong quả bom nguyên tử đầu tiên. Trong những năm chiến tranh, ông làm việc trong dự án Manhattan ở phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, New Mexico để phát triển hai loại bom nguyên tử. Loại đầu tiên dựa trên uranium với cách thức gun-type (bắn uranium để tạo ra phản ứng). Loại thứ hai dựa trên plutonium, loại này không thể sử dụng cách thức gun-type và giải pháp đó là sử dụng Christy Gadget của Robert Christy. Ông qua đời vào tháng 10 vừa rồi và thọ 95 tuổi.

Aubrey Leatham - Trưởng nhóm phát triển máy điều hòa nhịp tim


Đầu những năm 1950 tại bệnh viện St. George, Aubrey Leatham nhận thấy rằng với những bệnh nhân có nhịp tim hoạt động không bình thường thì có thể sử dụng thiết bị nhân tạo giả lập nhịp tim tự nhiên. Sau đó ông hỏi một người bạn thuộc khoa tim để phát triển một thiết bị giả lập như vậy, và thành quả là chiếc máy điều hòa nhịp tim đầu tiên đã ra đời. Ban đầu, thiết bị này đặt bên ngoài nhưng sau đó, họ phát triển nên chiếc máy điều hòa nhịp tim có thể gắn bên trong qua phương pháp phẫu thuật. Aubrey Leatham qua đời tháng 8 vừa rồi ở tuổi 89.
(Nguồn: phatminh )