Indonesia có thể bỏ lỡ vị trí số một thế giới về cung cấp nhiên liệu sinh học
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học Indonesia (APROBI), nhiên liệu sinh học được dự kiến sẽ chiếm hơn 1/4 lượng tiêu thụ nhiên liệu vận tải trên toàn thế giới vào năm 2050, nhưng Indonesia có thể bỏ lỡ những lợi ích từ xu thế này nếu...

Hạt cọ được chất lên một chiếc xe tải ở Serba Jadi, Indonesia.

Tổng thư ký APROBI, Paulus Tjakrawan, cho biết Indonesia là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới và lớn thứ 9 về sản xuất mía đường, nên có tiềm năng rất lớn để phát triển nhiên liệu sinh học. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán rằng nếu xu hướng tiêu dùng tiếp tục duy trì nhịp độ như hiện nay thì nhiên liệu sinh học có thể chiếm tới 27% trong tổng số nhiên liệu tiêu thụ của ngành vận tải toàn cầu vào năm 2050.

Hiện công ty thuộc sở hữu nhà nước Pertamina của Indonesia đang bán hai loại nhiên liệu sinh học sản xuất trong nước là dầu Diesel sinh học và biogasoline có tên gọi thương mại là Biosolar và Biopremium/Biopertamax. Biosolar chứa 95% dầu Diesel và 5% nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ dầu cọ. Tuy nhiên, trong tháng 3/2012, tỷ lệ nhiên liệu sinh học đã được nâng lên 7,5%. Biopremium /Biopertamax bao gồm 95% xăng và 5% ethanol sinh học được sản xuất từ mía hay ngô.

Indonesia hiện là nước sản xuất ethanol sinh học lớn thứ 16 thế giới, nhưng sản lượng mới chỉ bằng 1% của Brazil. Năm 2010, Indonesia sản xuất được 244.000 nghìn lít ethanol sinh học, trong đó hầu hết được sử dụng cho tiêu dùng công nghiệp. Tuy nhiên, Chính phủ đã chấm dứt chương trình ethanol sinh học năm 2010 sau một loạt bất đồng về xây dựng chỉ số giá thị trường giữa các nhà sản xuất và Bộ Năng lượng nước này.

Ông Paulus Tjakrawan cho biết các lợi ích của việc thúc đẩy sản xuất nhiên liệu sinh học đã vượt xa phạm vi đa dạng hóa năng lượng. Sản xuất Diesel sinh học cũng như sản xuất các sản phẩm phụ như glycerin thô có thể được sử dụng để sản xuất xà phòng và mỹ phẩm. Sản xuất nhiên liệu sinh học còn cung cấp nhiều công ăn việc làm cho thị trường lao động và giảm lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính.

APROBI cho biết Pertamina đã sử dụng 350.000 nghìn lít ethanol sinh học diesel sinh học trong hỗn hợp nhiên liệu của hãng, và chỉ riêng lượng nhiên liệu sinh học này đã đòi hỏi một lượng lao động tới 30.000 người làm việc trong các đồn điền trồng cọ dầu và giúp giảm tới 900.000 tấn khí thải CO2 so với việc phải dùng nhiên liệu hóa thạch. Hơn nữa, đối với Indonesia, sản xuất nhiên liệu sinh học không tác động bất lợi đến giá và an ninh lương thực trong nước, bởi Indonesia đạt sản lượng 23 triệu tấn dầu cọ thô/năm, trong đó xuất khẩu 70%, nên có thể vẫn đảm bảo nhu cầu nội địa và chỉ cần giảm xuất khẩu để lấy nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học.

(Nguồn: Petro Times )