Điện gió: vẫn còn khó
Một hội thảo chuyên đề với tên gọi “Thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp phát triển điện gió tại Bình Thuận, Việt Nam” vừa được tổ chức ở TP. Phan Thiết. Qua đây cho thấy, nếu tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc thì trong thời gian tới, việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng sạch trên địa bàn là rất triển vọng…

Ông Nguyễn Bội Khuê - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận khẳng định: Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng về điện gió và nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Bình Thuận là tỉnh có điều kiện thuận lợi nhất cả nước để phát triển các dự án điện gió…

Đây cũng là lĩnh vực hiện được nhiều quốc gia khuyến khích đầu tư khai thác nhằm bổ sung nguồn năng lượng phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của con người. Tại Việt Nam vào giữa năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định 37 về Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió triển khai trên địa bàn cả nước. Theo đó, các dự án trên lĩnh vực này sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về tín dụng đầu tư của Nhà nước, được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… Ngoài ra, các dự án điện gió còn được hưởng những ưu đãi về hạ tầng như: Miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Và ưu đãi thiết thực nhất đối với nhà đầu tư là được hỗ trợ giá điện khi đấu nối lên lưới cũng được áp dụng, khi đó bên mua có trách nhiệm “thu” toàn bộ sản lượng điện gió với mức 7,8 US cent/kWh.

Việc khuyến khích đầu tư trên lĩnh vực điện gió ở nước ta còn quy định tại Luật Điện lực, cụ thể là: Đẩy mạnh khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phát điện. Đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng lưới điện hoặc các trạm phát điện sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo để cung cấp điện cho vùng nông thôn, miền núi, hải đảo… Còn theo Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, nước ta phấn đấu tăng các nguồn năng lượng mới và tái tạo tương ứng lên khoảng 5%- 11% so tổng năng lượng thương mại. Riêng trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020, có xét đến năm 2030, toàn ngành sẽ nỗ lực đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên 1.000 MW vào năm 2020 và khoảng 6.200 MW vào năm 2030…

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, những năm qua tại Việt Nam đã ghi nhận hơn 70 dự án điện gió quy mô công nghiệp được đăng ký ở 18 tỉnh thành có tiềm năng về gió. Dù vậy trên thực tế, các dự án đầu tư trên lĩnh vực điện gió chỉ tập trung nhiều tại hai tỉnh cực Nam Trung bộ là Bình Thuận và Ninh Thuận. Trong đó, Bình Thuận thu hút 15 dự án với tổng công suất đăng ký đầu tư và đề nghị lắp đặt khoảng 1.182 MW, hiện đã có 2 dự án hoàn thành, đưa vào vận hành phát điện. Ngoài ra tại địa phương, đến nay vẫn còn một số nhà đầu tư lập hồ sơ xin chủ trương khảo sát, nghiên cứu và UBND tỉnh cũng đang tiến hành xem xét, giải quyết.

Có thể nói, việc triển khai đầu tư các nhà máy điện gió ở một số tỉnh thành trên địa bàn cả nước đã bắt đầu bổ sung thêm nguồn vào lưới điện quốc gia. Trong thời gian tới, lĩnh vực điện gió chắc chắn sẽ được Chính phủ tiếp tục quan tâm, khuyến khích phát triển để thay thế nguồn năng lượng hóa thạch dự báo ngày càng thiếu hụt…

 Tìm giải pháp tháo “nút thắt”…

Dù có khá nhiều dự án điện gió được nhà đầu tư đăng ký tham gia, nhưng đến nay cả nước mới chỉ có 3 dự án hoàn thành, đi vào vận hành phát điện với tổng công suất lắp đặt khoảng 52 MW. Trong số này có 2 dự án triển khai tại Bình Thuận là: Phong điện 1 - Bình Thuận giai đoạn 1, thuộc địa bàn Tuy Phong (công suất 30 MW) và nhà máy điện gió đầu tư ở huyện đảo Phú Quý (công suất 6 MW). Dự án còn lại được thực hiện tại đồng bằng Sông Cửu Long, có tổng công suất 16 MW và mới đưa vào vận hành trong năm 2013 này.

Qua tìm hiểu được biết, hiện giá mua điện gió từ các dự án đã được Chính phủ Việt Nam ưu tiên trợ giá thêm 1,0 US cent lên thành 7,8 US cent/kWh, tương đương 1.614 đồng/kWh. Tuy nhiên, hầu hết nhà đầu tư đều cho rằng đây là mức giá còn quá thấp, dù chưa bao gồm thuế GTGT và được điều chỉnh khi tỷ giá biến động. Chính vì vậy, với mức giá đầu ra của các dự án điện gió như hiện nay thì rất khó khuyến khích nhà đầu tư “đổ vốn” trong bối cảnh tình hình kinh tế chung chưa mấy sáng sủa…

Riêng với Bình Thuận, việc chồng lấn giữa các khu vực Quy hoạch phát triển điện gió ở tỉnh với ranh giới điều tra khoáng sản titan trong tầng cát đỏ của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Thêm vào đó, chuyện tiếp cận vốn vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực điện gió vẫn rất hạn chế, dẫn đến môi trường thu hút đầu tư kém hấp dẫn.

Từ thực trạng trên, thời gian qua địa phương đã có những kiến nghị gởi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương xem xét, giải quyết nhằm tháo “nút thắt” khó khăn và vướng mắc. Theo đó về cơ chế giá mua điện cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất điện gió, Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu hiệu chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2013 vừa qua. Còn theo Bộ Công Thương, các dự án điện gió nằm trong Quy hoạch điện gió của Bình Thuận là không chồng lấn với các dự án thuộc Quy hoạch titan… Cũng trong năm nay, theo quy định tại Nghị định 38 (ngày 23/4/2013) của Thủ tướng Chính phủ, một số doanh nghiệp đã được hưởng vốn vay ưu đãi. Đó là 1 dự án điện gió triển khai tại Bình Thuận, 1 dự án trên địa bàn Ninh Thuận đăng ký nguồn vốn vay ODA ưu đãi của Chính phủ Đức và Chính phủ Đan Mạch…

Khi “nút thắt” được tháo gỡ thì những khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư dự án trên lĩnh vực điện gió cũng phần nào giảm bớt gánh nặng. Ngay tại Bình Thuận, các dự án điện gió đều đưa vào Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011 - 2015 đã được Chính phủ xét duyệt… Với sự quan tâm của địa phương và các cấp ngành chức năng, hy vọng hoạt động sản xuất điện gió trên địa bàn Bình Thuận sớm trở nên sôi động trong vài năm tới đây. Bởi ngoài lĩnh vực được khuyến khích đầu tư, việc phát triển các dự án điện gió ở những vùng có tiềm năng lợi thế như địa phương sẽ là sự lựa chọn tất yếu.

Các nhà đầu tư trên lĩnh vực này cho biết: Dự án điện gió đang gặp rất nhiều khó khăn như về thị trường (thiếu thông tin), tài chính (chi phí sản xuất lớn và lãi vay cao), kỹ thuật (về nhân lực, hạ tầng kém). Nhưng trở ngại lớn nhất hiện nay chính là giá mua điện gió quá thấp, chưa thể khuyến khích nhà đầu tư tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án…


(Nguồn: khampha.vn )