Muốn phát triển năng lượng tái tạo phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
Tại buổi hội thảo EnerExpo Vietnam 2012, TS Nguyễn Đức Cường (GĐ Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương), khẳng định: “Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế và một nguồn lực hấp dẫn các nhà đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo”.
TS Nguyễn Đức Cường (GĐ Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch)

TS Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch

Ông đánh giá thế nào về những điều kiện ở Việt Nam để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo?

TS Nguyễn Đức Cường: Cho đến thời điểm này, điều khó khăn nhất là tiếp cận nguồn vốn, mặt bằng lãi suất hiện nay còn rất cao, cộng với giá năng lượng trong nước còn thấp, hiện chúng ta còn đang trợ cấp nguồn than, giá than nên tính cạnh tranh của năng lượng ở mức thấp, cản trở cho nhà đầu tư.

Chúng ta cần phải tính giá của năng lượng tiêu thụ, tính đúng, tính đủ, tính cả giá đầu tư, tài chính, kinh tế, môi trường, đưa hết vào để xem xét. Trong tương lai có nhiều dạng năng lượng tái tạo có thể cạnh tranh với năng lượng truyền thống. Thế nên, mọi sự tính toán đều phải hợp lý để vừa đảm bảo phát triển các nguồn năng lượng truyền thống, vừa tăng tốc phát triển nhanh các dạng năng lượng tái tạo.

Trong lúc cả thế giới đang lo lắng về biến đổi khí hậu, có thể thấy tiềm năng của năng lượng tái tạo. Việc cần kíp là đầu tư ngay về nguồn lực, công nghệ. Bởi vấn đề công nghệ, kĩ thuật càng cao thì sẽ dễ dàng đi tới thành công.

Trước mắt, từ nay đến 2015, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện các thể chế, khuôn khổ pháp lý để làm sao tạo ra được một hành lang pháp lý đủ mạnh tạo điều kiện cho năng lượng tái tạo phát triển.

 Ngoài ra, ông có thể nói rõ hơn về việc phát triển nguồn nhân lực?

TS Nguyễn Đức Cường: Đó là việc hết sức quan trọng, nếu như có nguồn nhân lực tốt thì sẽ có nền tảng để cải tiến công nghệ, nâng cao hiệu suất, để giảm giá thành, nội địa hóa và để tư vấn cho các nhà đầu tư chọn được những công nghệ thích hợp với điều kiện của Việt Nam, lúc ấy sẽ tạo ra sự tích hợp trong đầu tư tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư rất quan tâm tới các nguồn năng lượng tái tạo

Nguồn năng lượng nào chúng ta nên ưu tiên phát triển trong bối cảnh nước ta còn khó khăn về vốn, công nghệ và thiếu cơ chế, thưa ông?

TS Nguyễn Đức Cường: Để tìm ra nguồn năng lượng tái tạo nào để ưu tiên thì rất khó nói trước. Lộ trình, định hướng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam sẽ đi từ các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành từ thấp đến cao. Trước hết những công nghệ nào đã chín muồi, đã có thị trường và có thể thương mại được thì ưu tiên đưa vào đầu tư được ngay.

Đó là những công nghệ có giá cả phù hợp với điều kiện Việt Nam, sau đó từng bước ta sẽ dần dần khai thác những công nghệ có giá cao hơn. Giá thành xem xét từ loại rẻ đến cao hơn, để có được công nghệ có giá thành hợp lý nhất.

Trước hết phải ưu tiên nguồn năng lượng sinh khối, năng lượng gió, sau đó là năng lượng từ thủy triều.

 Ông nhận xét như thế nào về nguồn nguyên liệu trong nông nghiệp tại Việt Nam đang bị dư thừa?.

TS Nguyễn Đức Cường: Bài toán này liên quan đến nhiều ngành. Để thu lượm được phế thải đó thì lại liên quan đến các ngành công nghiệp, công nghệ. Cần phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ hơn thì mới giải quyết được bài toán này. Việc liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông) được thể hiện trong nhiều chủ trương chính sách, bài toán tổng thể phải giải quyết trên cơ sở đánh giá lại, đánh giá sâu về những cơ hội đầu tư, nó liên quan tới các thông số, chỉ số như kinh tế, tài chính, môi trường, xã hội chứ không chỉ kinh tế hay môi trường.

 Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: PetroTimes )