Ấn Độ phát triển kỹ thuật phát hiện thạch tín
Arsenic là một chất độc hại, thường có trong các mạch nước ngầm hoặc các nguồn nước có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mà nếu tiếp xúc trong thời gian dài có thể dẫn tới nhiều bệnh, nhẹ thì dị ứng, nặng thì ung thư.

Tiếp xúc nhiều với arsenic có thể dẫn đến ung thư
Tiếp xúc nhiều với arsenic có thể dẫn đến ung thư

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phơi nhiễm với thạch tín đang trở thành mối lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới.

Mới đây, các nhà khoa học Ấn Độ tuyên bố họ vừa phát triển thành công một kỹ thuật giúp phát hiện thạch tín trong nước với độ chính xác cao. Chandra Bhushan, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường ở New Delhi cho biết ngộ độc thạch tín là tình trạng phổ biến ở Ấn Độ, nên nước này rất cần các kỹ thuật giám sát cũng như loại bỏ các chất độc hại ra khỏi nguồn nước.

Công cụ phát hiện thạch tín là những cảm biến hóa chất được làm từ các chùm phân tử nano màu vàng có cấu trúc 3 chiều và được cố định bằng một chuỗi axít amin. Các cảm biến siêu nhạy này giúp báo hiệu sự hiện diện của thạch tín trong nước bằng cách phát sáng khi chúng tiếp xúc với chất độc hại. "Ánh sáng càng nhiều thì chứng tỏ hàm lượng thạch tín càng cao", Arindam Banerjee, một chuyên gia hóa sinh thuộc Hiệp hội Phát triển Khoa học của Ấn Độ, giải thích.


(Nguồn: Theo Báo Cần Thơ )