Một chuyện bi thảm vừa xảy ra ớ bờ biển phía bắc nước Puerto-Rico: một con cá voi khổng lồ, thuộc loài cá nhà táng, kích thước ngang ngửa chiếc xe bus cỡ lớn bị chết trên bờ.
Vị cư dân to lớn của biển khơi bơi lạc vào một vịnh nhỏ, do thân hình quá cồng kềnh không quay trở lại được đại dương, nên quá bức xúc đã tung mình lên bờ biển. Tách khỏi môi trường nước, đương nhiên nó bị chết.
Những chuyên gia về động vật có vú dưới biển người địa phương được tin báo vội vã phóng đến. Họ đã tìm cách đưa nó trở về biển song cho rằng thực tế không biện pháp nào có thể cứu được con cá nhà táng này.
Cá voi nói chung, cá nhà táng nói riêng thường hay tự sát bằng cách quăng mình lên bờ và rất ít cơ hội cứu sống được chúng. Xe cần cẩu hạng nặng được điều đến để kéo xác con cá nhà táng lên bờ.
Chuyện tự sát của cá voi, cá heo… là vấn đề làm đau đầu các chuyên gia về động vật có vú sống dưới biển. Họ đã đưa ra nhiều giả thuyết vì sao chúng lại tự tìm đến cái chết, nhất là tự sát tập thể hàng chục con một lúc.
Thế nhưng cho tới nay chưa một giả thuyết nào được thừa nhận chung.
Chôn cất (và lập đền thờ như ở Việt Nam thường làm), xẻ thịt bán hay tiêu huỷ phần mềm rồi đưa xương vào viện bảo tàng… Xử lý ra sao là do các vị có chức quyền ở địa phương quyết định.
Đám đông tò mò xúm quanh rồi cũng giải tán.
Có những người lưu luyến ghi lại hình ảnh con vật xấu số để làm kỷ niệm.
Chỉ còn lại một số người đang đau sót. Họ nhắc lại với nhau những giả thuyết về cái chết tự nguyện của những cư dân biển khổng lồ này. Do sự nóng lên toàn cầu? Do ô nhiễm môi trường biển đang diễn ra ngày càng trầm trọng? Dù giả thuyết nào chăng nữa cũng một phần do lỗi của con người.