Phát hiện loài cây biệt tích hơn 100 năm tại Việt Nam
Loài cây nắp ấm Thorel vừa được tìm thấy lại ở Việt Nam sau hơn 100 năm vắng bóng. Hiện chỉ còn không quá 100 cây này tại một khu vực hẻo lánh ở biên giới Việt Nam -Campuchia.

“Kể từ sau khi nhà thực vật học người Pháp Clovis Thorel phát hiện lần đầu tiên loài cây nắp ấm này (Nepenthes thorelii Lecomte) ở xã Thị Tĩnh, huyện Lò Thiêu, tỉnh Bình Dương vào khoảng từ 1861-1869, cho đến gần đây chưa có một ghi nhận chính thức nào chứng minh loài nắp ấm Thorel còn tồn tại ngoài tự nhiên”, TS Lưu Hồng Trường, Trưởng phòng Tài nguyên sinh vật, Viện sinh học nhiệt đới cho biết.

Chỉ có dưới 100 cá thể

Giữa năm 2011, TS. Vũ Ngọc Long (Viện Sinh học nhiệt đới) trong một chuyến khảo sát ở vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát đã tình cờ chụp được hình ảnh một loài cây giống cây nắp ấm Thorel. Dựa trên bức ảnh này, đến tháng 8.2011, nhóm nghiên cứu Viện Sinh học nhiệt đới, Vườn Quốc gia (VQG) Lò Gò – Xa Mát cùng các nhà nghiên cứu Pháp, Anh đã tiến hành khảo sát kỹ và tìm được loài này ngoài tự nhiên ở khu vực VQG Lò Gò – Xa Mát.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc VQG Lò Gò- Xa Mát, việc tìm thấy sự xuất hiện trở lại của loài cây nắp ấm Thorel tại Việt Nam ngoài nỗ lực của các nhà khoa học còn có cả sự may mắn. Nơi tìm thấy loài cây này thuộc một khu vực heo hút, hiểm trở ở giáp biên giới Việt Nam-Kampuchia. Tại đây, chỉ còn lại không quá 100 cây nắp ấm Thorel. “Lúc tìm thấy và xác nhận đây chính là loài cây nắp ấm đã biến mất từ hơn 100 năm trước, nhóm nghiên cứu chúng tôi và cả các nhà khoa học Anh, Pháp ôm chầm lấy nhau, xúc động gần như muốn khóc”, ông Xuân cảm động nói.

So sánh hoa cây nắp ấm Thorel (A) và hoa cây nắp ấm hiện đang được trồng làm cảnh ở nhiều nơi (B). (Ảnh: Lưu Hồng Trường)


TS Trường khẳng định, nắp ấm Thorel trông rất giống và dễ nhầm lẫn với 9 loài nắp ấm khác tương đối phổ biến đã được ghi nhận ở Lào, Camphuchia, Thái Lan, Việt Nam mà hiện đang được trồng làm cây cảnh ở nhiều nơi. Rất dễ nhầm lẫn khi phân biệt các loài nắp ấm bởi nhìn bề ngoài thì các loài có đặc điểm điểm tương đối giống nhau. “Đặc điểm phân biệt với các loài nắp ấm tương tự là loài nắp ấm Thorel có bộ phận "ấm" hay "bình" (được tạo ra từ lá) gần đất có dạng bầu tròn, còn các loài tương tự thì tròn hơn rất nhiều. Ngoài ra, ở các loài nắp ấm tương tự, dạng ấm tròn đôi khi xuất hiện ở một vài cá thể riêng biệt chứ không phải tất cả, trong khi đặc tính này rất ổn định ở loài nắp ấm Thorel”, TS Trường cho hay.

Theo TS Trường, các loài nắp ấm nói chung và loài nắp ấm Thorel nói riêng không phải dễ sống, dễ trồng như nhiều người lầm tưởng. Bởi nó chỉ phù hợp trong điều kiện môi trường đất chua, đất có nhiều axít và tính tới thời điểm này, VQG Lò Gò – Xa Mát là địa điểm duy nhất có thể tìm thấy loài này trong tự nhiên. Ngoài VQG Lò Gò – Xa Mát, hiện chưa thấy ở đâu ghi nhận thêm sự xuất hiện của loài cây này.

Đưa vào Sách đỏ để bảo tồn

Với số lượng cá thể được tìm thấy còn rất ít, nắp ấm Thorel đang ở tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng cao. Theo tiêu chuẩn Sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về xếp loại tình trạng bị đe dọa của các loài, nắp ấm Thorel nên được xếp ở tình trạng “Cực kỳ nguy cấp”. Ngoài ra, một nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế về cây thuốc Planta Medica năm 1998 đã chứng minh loài cây nắp ấm Thorel chứa nhóm hoạt chất naphthoquinones có khả năng chữa sốt rét.

Nhóm nghiên cứu đang khảo sát cây nắp ấm Thorel tại VQG Lò Gò- Xa Mát (Ảnh: Lưu Hồng Trường)
Do vậy, Viện Sinh học nhiệt đới cho rằng, cần tiến hành các biện pháp bảo vệ chặt chẽ loài này cùng sinh cảnh của nó, ngăn chặn các biện pháp khai thác đồng thời có kế hoạch phục hồi loài này nhằm bảo tồn một nguồn gene quý hiếm, độc đáo của nước ta. Tuy nhiên, theo TS Trường, điều khó khăn hiện nay là ở Việt Nam là ngoài một số ít công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài từ đầu thế kỷ trước, còn thì hầu như chưa có bất kỳ công trình nghiên cứu nào về loài nắp ấm Thorel. Cây nắp ấm Thorel cũng chưa được ghi tên trong Sách đỏ Việt Nam. “Sau khi công bố phát hiện sự xuất hiện trở lại của loài nắp ấm này, chúng tôi cũng đã kiến nghị với các cơ quan chức năng và các tổ chức quốc tế đưa loài này vào Sách đỏ của Việt Nam và thế giới để có các biện pháp bảo tồn đặc biệt”, TS Trường nói.

Bên cạnh đó, VQG Lò Gò-Xa Mát cũng đang phối hợp với các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, đặc biệt là UBND tỉnh Tây Ninh để xây dựng kế hoạch nhân giống và đăng ký dạng bản quyền thương hiệu cây nắp ấm Thorel. Việc làm này nhằm tránh tình trạng kẻ xấu đào trộm, nhân giống rồi buôn bán tràn lan làm mất tính đa dạng sinh học của loài cây nắp ấm Thorel.
(Nguồn: )