Phát hiện chất độc hại trong thuốc cổ truyền Trung Quốc
Kết quả kiểm tra ADN cho thấy một số chất độc, chất gây dị ứng và thành phần động vật hoang dã trong 15 bài thuốc cổ truyền của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu vừa cho biết.
Những bài thuốc này đã được sử dụng ở Trung Quốc hơn 3.000 năm nay, và ngày nay đang được sử dụng rộng rãi ở châu Á. Giá trị của ngành công nghiệp này trên toàn cầu đã đạt tới hàng trăm triệu USD mỗi năm, nghiên cứu vừa xuất bản trên kỷ yếu PLoS Genetics cho biết.

Dù được sử dụng rộng rãi nhưng có rất ít bằng chứng khoa học chứng tỏ lợi ích của thuốc cổ truyền Trung Quốc. Vì thế, một nhóm nghiên cứu ở ĐH Murdoch (Australia) tiến hành phân tích một số mẫu dược phẩm, gồm các loại trà thảo dược, viên nang mà quan chức biên giới Australia thu giữ được.

“Dược phẩm truyền thống của Trung Quốc đã có lịch sử lâu đời, nhưng ngày nay người tiêu dùng cần cảnh giác với những vấn đề luật pháp và an toàn sức khỏe trước khi tiếp nhận lựa chọn điều trị này,” Michael Bunce, trưởng nhóm nghiên cứu, nói.


Một dược sĩ y học cổ truyền Trung Quốc đang bốc thuốc cho người bệnh. (Nguồn: AFP)

Khoảng 68 loài thực vật phát hiện trong 15 mẫu thuốc có thể trở thành độc nếu uống sai liều, nhưng bao bì của những mẫu thuốc này không liệt kê hàm lượng của các chất bên trong.

“Chúng tôi cũng tìm thấy thành phần của động vật hoang dã đang được bảo vệ, trong đó có gấu đen châu Á và linh dương Saiga,” Bunce nói, và cho biết thêm các mẫu thuốc còn có những thành phần không được ghi nhãn bên ngoài.

“Một sản phẩm được ghi nhãn là 100% linh dương Saiga lại chứa một lượng lớn ADN của dê và cừu”.
“Một sản phẩm khác là viên uống Mongnan Tianbao chứa ADN của hươu và bò, nên những loại thuốc này có thể vi phạm một số quy định tôn giáo hoặc văn hóa ở một số nơi”.

Trước đây, việc phân tích sâu thành phần sinh học trong các bài thuốc chữa bệnh cổ truyền rất khó khăn vì các thành phần đã qua chế biển trộn lẫn với nhau nên dễ gây nhầm lẫn.

Nhưng phương pháp kiểm tra thế hệ thứ hai được vừa được áp dụng với các bài thuốc của Trung Quốc rất hữu hiệu và tiết kiệm chi phí.

Những kiểm tra tiếp theo sẽ giúp cán bộ hải quan phát hiện việc buôn bán các loài động vật hoang dã cũng như các thành phần nguy hiểm với sức khỏe, các nhà khoa học cho biết.

(Nguồn: Báo Đất Việt )