Trong số mới nhất ra ngày 23/3 của tạp chí Cardiothoracic Surgery ở Anh, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã giải thích thí nghiệm của họ với những con chuột được phẫu thuật ghép tim. Mặc dù các cơ quan cấy ghép thường bị hỏng trong vòng 7-8 ngày do cơ chế đào thải, song cuộc sống của những con chuột này có thể kéo dài nếu chúng được nghe một số loại âm nhạc nhất định trong một tuần. Ví dụ, bản opera "La Traviata" và âm nhạc cổ điển của Mozart có thể giúp kéo dài tuổi thọ của các bộ phận cấy ghép lên tương ứng 26,5 và 20 ngày. Trong một số trường hợp, các bộ phận cấy ghép thậm chí có thể tồn tại hơn 80 ngày. Tuy nhiên, tác dụng này lại không rõ rệt ở những con chuột được nghe thể loại nhạc New Age cũng như những con chuột tiếp xúc với một tần số âm thanh cố định duy nhất, đã được thử nghiệm trong khoảng từ 100Hz đến 20.000Hz. Mặc dù chưa hiểu rõ mối liên hệ giữa âm nhạc và cơ chế đào thải, song nhóm nghiên cứu xác định nguồn gốc của sự bảo vệ này chính là lá lách, vì số lượng một số tế bào miễn dịch được sản xuất bởi lá lách của chuột đã thay đổi khi chúng nghe opera hay nhạc của Mozart. Âm nhạc lâu nay vẫn được nhiều người biết đến như một liều thuốc bổ có tác dụng làm giảm căng thẳng, giúp thư giãn và làm quên nỗi đau và do đó nó được sử dụng trong lâm sàng để giảm lo lắng sau cơn đau tim, hoặc để làm giảm đau và buồn nôn trong quá trình cấy ghép tủy xương. |