Loại enzym này được tách chiết từ gan tụy cua biển (enzyme hepatopancreas). Theo nhóm nghiên cứu, gan tụy của các loại cua biển là một tổ chức kết hợp chức năng gan và túi mật. Bộ phận này thường tiết ra một khối lượng lớn các loại enzym tiêu hóa phổ rất rộng, có khả năng thủy phân protein với hoạt tính cao, ứng dụng hiệu quả trong điều trị vết thương, đặc biệt là các vết thương mưng mủ - hoại tử hoặc các vết loét khó lành. Cho chuột uống dung dịch tách chiết từ gan tụy cua biển. Kết quả sau 72 tiếng, 100% chuột thí nghiệm sống và khỏe mạnh.
Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu thành công quy trình cố định enzyme này trên vải băng xenlulo. Băng enzym có khả năng giải quyết các vết bỏng sâu hoặc lở loét lâu ngày, làm sạch vết thương mà không cần đến sự trợ giúp của phẫu thuật. Thời gian sử dụng 1 băng kéo dài từ 24-72 giờ. Khi đưa lên vết thương băng có tác dụng thúc đẩy quá trình phân hủy hoại tử chết trên da, giảm độ nhiễm khuẩn, giúp tăng cường các tổ chức da non làm lành nhanh vết thương. TS Huỳnh Thị Hà cho rằng, gan tụy cua biển thuộc loại nguyên liệu dễ kiếm, rẻ tiền, không độc và thân thiện môi trường vì có thể tận dụng nguồn phế thải từ các nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu. |