Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y Đại học Washington (Mỹ) đã kiểm tra kiểu ngủ của 100 người tuổi từ 45-80 không bị chứng mất trí. Phân nửa nhóm người này có tiền sử gia đình mắc bệnh Alzheimer. Các nhà khoa học nhận thấy thời lượng và chất lượng giấc ngủ mỗi đêm có thể ảnh hưởng đến trí nhớ lúc về già.
Theo tiến sĩ Yo-El Ju, trưởng nhóm nghiên cứu, giấc ngủ gián đoạn có thể liên quan đến việc hình thành các mảng amyloid, dấu hiệu của bệnh Alzheimer, trong não của những người không bị các vấn đề về trí nhớ. Một thiết bị được đặt vào các đối tượng nghiên cứu trong 2 tuần để đo lường giấc ngủ, trong khi các sổ ghi nhớ và bản trả lời câu hỏi của họ được các nhà nghiên cứu phân tích kỹ lưỡng. Sau quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện rằng 25% những người tham gia có dấu hiệu hình thành mảng amyloid, vốn có thể xuất hiện vài năm trước khi các triệu chứng của bệnh Alzheimer bắt đầu. Thời lượng trung bình mà mỗi người trong cuộc nghiên cứu này nằm trên giường là khoảng 8 tiếng, nhưng thời lượng ngủ trung bình là 6 tiếng rưỡi do họ thức giấc nhiều lần trong đêm. Cuộc nghiên cứu cho thấy những người thức giấc hơn 5 lần/giờ có nguy cơ hình thành các mảng amyloid nhiều hơn so với những người không thức giấc nhiều như vậy. Các chuyên gia còn nhận thấy rằng những người ngủ kém ngon hơn có nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu của giai đoạn đầu mắc bệnh Alzheimer cao hơn so với những người ngủ ngon giấc. Nói cách khác, những người dành chưa đến 85% thời gian trên giường của mình vào việc ngủ có nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu của căn bệnh này nhiều hơn so với những người dành hơn 85% thời gian trên giường vào việc ngủ. Theo tiến sĩ Ju, cần tiến hành nghiên cứu thêm để xác định lý do vì sao xảy ra điều nói trên và liệu những thay đổi về giấc ngủ có thể dự báo khả năng suy giảm khả năng nhận thức hay không. |