Tiến sĩ Keith Martin-Smith thuộc Đại học Tasmania đã dành thời gian hơn hai năm để chụp ảnh cá rồng biển thân cỏ phân bố ở vùng biển phía Nam Hobart, thủ phủ bang Tasmania.
Ông phát hiện ra rằng, những con đực sống độc lập thường tập hợp lại thành nhóm sau khi phối giống và gọi đây là những "nhà trẻ"
bởi vì đó là nơi mà cá rồng biển đực bơi loanh quanh trong khi chăm sóc
con non. Tất cả các con đực mang trứng thường tụ tập thành từng nhóm
nhỏ trong phạm vi vài mét.
Cá rồng biển thân cỏ
Tiến sĩ Martin-Smith đã sử dụng một phần
mềm nhận diện hoa văn để nhận biết các dấu hiệu trên thân cá rồng biển
thân cỏ, qua đó phát hiện các con đực mang thai tụ tập thành từng đám.
Loài sinh vật biển này có những chấm rất
đẹp dọc theo cơ thể và mỗi cá thể lại có những hoa văn dạng đốm riêng.
Những hoa văn này giống như dấu vân tay ở người, ngoại trừ việc có thể
phức tạp hơn.
Ông hy vọng qua đó sẽ xây dựng một cơ sở
dữ liệu tương tác với công chúng qua mạng Internet để góp phần bảo tồn
loài cá rồng biển thân cỏ đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Cá rồng biển thân cỏ có họ hàng với cá
ngựa (sea horse) và giống như những người bà con của mình, con đực chịu
trách nhiệm mang thai.
Cá cái sản xuất khoảng 200 trứng màu
hồng nhạt rồi đưa các trứng này vào đuôi con đực qua một ống dẫn. Trứng
sẽ bám dính vào những nguồn cung cấp oxygen ở đuôi cá đực. Tùy theo điều
kiện môi trường nước ở xung quanh, trứng sẽ đổi sang màu tía và bắt đầu
nở sau khoảng tám tuần lễ.
Sau thời kỳ này, con đực "thót bụng"
đẩy các cá con ra khỏi đuôi. Quá trình này diễn ra trong khoảng thời
gian chừng 24-48 tiếng và các cá thể con sống độc lập kể từ đó.
Ông Martin-Smith cho rằng, nghiên cứu
này sẽ giúp các nhà khoa học xây dựng các mô hình quần thể cá rồng biển
để bảo vệ loài sinh vật được bảo vệ nghiêm ngặt này.