Nghiên cứu chi tiết đầu tiên về loài cá mập đèn lồng (tên khoa học là Etmopterus spinax) ở sâu bên dưới Thái Bình Dương cho thấy loài cá này không chỉ có khả năng phát sáng trong bóng tối mà hiệu ứng ánh sáng đó còn tạo ra một chiếc áo choàng vô hình bảo vệ nó khỏi kẻ săn mồi.
Loài cá mập Etmopterus spinax.
Theo trang tin Discovery,
nghiên cứu được đăng trên chuyên san Journal of Experimental Marine
Biology and Ecology lần đầu tiên ghi nhận sự hiện diện của loài cá mập
này trong vùng biển quanh đảo Okinawa của Nhật. Trước đó, nó chỉ được
phát hiện ở phía đông biển Đông, ngoài khơi đảo Đài Loan và các vùng
biển phía nam Nhật Bản.
Màn trình diễn ánh sáng tự nhiên của nó, được tạo ra bởi các bộ phận phát sáng được gọi là photophore,
thực hiện rất nhiều chức năng. Áo choàng vô hình có lẽ là một trong
những chức năng có lợi nhất vì nó giúp bảo vệ loài cá mập nhỏ này khỏi
những kẻ săn mồi bên dưới.
Julien Claes, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Louvain (Bỉ), cho biết: “Các
photophore thay thế ánh sáng chiếu xuống từ mặt trời, vốn được cơ thể
cá hấp thụ, do vậy, bóng của loài cá này biến mất khi nhìn từ dưới lên”.
Khả năng phát quang có lẽ đã tiến hóa
khi cá mập phát sáng thống lĩnh vùng biển sâu vào cuối kỷ Bạch Phấn,
cách đây khoảng chừng 65-75 triệu năm. Cá mập Etmopterus spinax ngày nay
sinh sống ở độ sâu 0,2-1 km dưới mực nước biển, khu vực có mức ánh sáng
cực thấp.