Trong
đó có những loài sâu hại thường xuyên xuất hiện ở tất cả các giai đoạn
sinh trưởng, phát triển của cây cà phê như thối nứt thân, gỉ sắt, rệp
sáp vẩy xanh, rệp vẩy nâu, rệp sáp hại quả, rệp sáp hại rễ, sâu đục
thân, mọt đục cành, đục quả cà phê, tuyến trùng...
Hiện nay, ở tỉnh Đắk Lắk, do thời tiết
mưa, nắng bất thường nên xuất hiện nhiều loại sâu bệnh hại trên cây cà
phê. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: sâu bệnh hại trên cây
cà phê hiện lên đến 20 - 27% trong tổng diện tích cà phê, trong đó chủ
yếu là bệnh rệp sáp, rệp sáp mềm xanh, gỉ sắt, thối rụng quả cà phê.
Hầu hết các vùng trọng điểm cà phê của
tỉnh như Cư M’Gar, Krông Năng, Ea H’Leo, Krông Pắk đều đã xuất hiện các
loại rệp sáp, mọt đục cành, đục quả cà phê.
Các ngành chức năng ở tỉnh Đắk Lắk đã
khuyến cáo các doanh nghiệp, các nông hộ sản xuất, kinh doanh cà phê tập
trung làm vệ sinh đồng ruộng, cắt, thu gom và đốt các cành bị rệp sáp
gây hại nặng trước khi xử lý thuốc bảo vệ thực vật.
Trên cơ sở những nghiên cứu về đặc điểm
sinh học, quy luật phát sinh, phát triển của các loại dịch hại, các
ngành chức năng cũng đã khuyến cáo các doanh nghiệp và các nông hộ sản
xuất, kinh doanh cà phê cần phân loại để có quy trình phun hóa chất hợp
lý đối với từng đối tượng gây hại, đồng thời có biện pháp chăm sóc nhằm
tăng sức kháng sâu bệnh, tạo điều kiện cho cây cà phê phát triển cho
năng suất ổn định.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có trên 191.000
ha cà phê, với sản lượng mỗi năm đạt từ 400.000 tấn cà phê nhân trở lên,
trong đó tập trung nhiều nhất ở các huyện Cư M’Gar, Krông Búk, Krông
Pắk, Krông Năng, Ea H’Leo.