'Mất hổ là mất đa dạng sinh học'
Hổ được coi là biểu tượng của đa dạng sinh học. Khi hổ biến mất khỏi tự nhiên, sự suy thoái và xâm lấn hệ sinh thái sẽ càng tiến triển nhanh hơn, các chuyên gia cảnh báo.

Sáng nay, nhiều chuyên gia nước ngoài và trong nước đã tham gia ngày quốc tế Hổ nhằm nâng cao nhận thức việc bảo tồn hổ và kêu gọi ngăn chặn nạn buôn bán hổ trái phép.

Ông Keshav Varma, đại diện của Sáng kiến bảo tồn hổ toàn cầu (GTI) cho biết, hổ đang sụt giảm nhanh chưa từng thấy, từ 100.000 con năm 1900 xuống chỉ còn 3.200 con năm 2008. Hổ chỉ còn xuất hiện ở 13 quốc gia trên thế giới với mức độ phân bố rải rác.

"Bốn trong số chín phân loài đã tuyệt chủng, khu vực sinh sống thu hẹp chỉ còn 7% so với trước đây trong cả 13 nước châu Á. Nạn săn trộm và buôn bán trái phép khiến hổ mất nơi cư trú", ông lo lắng.

Hai con hổ đùa nghịch trong hồ nước gần một ngôi chùa tại Kanchanaburi, Thái Lan. Ảnh: EPA.

Theo ông Keshav Varma, hổ được xem là biểu tượng của đa dạng sinh học. "Hổ suy thoái phản ánh sự khủng hoảng lớn về bảo tồn đa dạng sinh học. Hổ như một chỉ số và là loài bảo vệ các giá trị của hệ sinh thái", ông nhấn mạnh.

Theo ông Đỗ Quang Tùng, phó giám đốc Cơ quan quản lý CITES, Việt Nam có đa dạng sinh học cao với 11.400 loài thực vật bậc cao, 1,030 loài rêu, 310 loài thú, gần 900 loài chim, 296 loài bò sát, 162 loài ếch nhái, hầu hết các loài động thực vật đang suy giảm nghiêm trọng, nhất là hổ.

"Loài hổ ở Việt Nam là loài vật thể hiện sức mạnh linh thiêng và liên hệ chặt chẽ với văn hóa là tín ngưỡng của người Việt. Hổ luôn xuất hiện trong các đình chùa, tranh dân gian hay chuyện cổ tích", ông Tùng nói.

Nguyên nhân loài hổ suy giảm, theo ông Tùng là do dân số ngày càng tăng, khai thác rừng bừa bãi chia cắt sinh cảnh sống của hổ. Ngoài ra, việc săn bắn, buôn bán trái phép của người dân do tin vào khả năng chữa bệnh thần kỳ của các sản phẩm từ hổ, đã khiến thị trường buôn bán hổ ngày càng lớn.

Ông Nick Cox, quản lý Chương trình về các khu Bảo tồn, loài và buôn bán Động vật Hoang dã của WWF-Greater Mekong phát biểu: “Sự hiện diện của hổ ngoài tự nhiên là một phần tất yếu trong việc duy trì sự cân bằng của các cánh rừng, nhưng chúng đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Phần lớn số lượng hổ ngoài tự nhiên ở Việt Nam đã bị suy giảm và đến nay chỉ còn khoảng vài chục cá thể".

Vì vậy, theo ông Nick Cox, để bảo vệ loài hổ - loài động vật có vai trò quan trọng đối với đa dạng học và gắn liền với nhiều giá trị văn hóa truyền thống khỏi tuyệt chủng, hành động khẩn cấp bây giờ là chặn đứng nạn buôn bán hổ trái phép trong nước và xuyên biên giới cũng như nâng cao nhận thức để hạn chế dùng sản phẩm từ hổ.

Trong khi đó theo quan điểm của ông Tùng, cần tăng cường các hoạt động về kiểm soát buôn bán động, thực vật hoang dã, đồng thời rà soát ban hành các quy định pháp luật về bảo tồn các loài quý hiếm trong đó có hổ. Tăng cường hợp tác quốc tế trong chia sẻ thông tin liên quan đến buôn bán trái phép hổ và động thực vật hoang dã, thực hiện chiến dịch tăng cường nhận thức giảm tiêu thụ hổ.

"Theo mục tiêu năm ngoái tại hội nghị thượng đỉnh về hổ ở Nga, phấn đấu đến năm 2020, sẽ nhân đôi số lượng hổ trong tự nhiên. Giờ đây các chính phủ cần thực hiện tuyên bố đó. Quỹ sáng chế bảo tồn hổ toàn cầu vẫn đang tiếp tục hỗ trợ 13 quốc gia có hổ và tham gia các hoạt động nhằm đạt mục tiêu đó", ông Keshav Varma nhấn mạnh.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức ngày quốc tế về hổ. Sự kiện này do Tổng cục môi trường tổ chức với hỗ trợ của WWF, TRAFFIC và Sáng kiến hổ toàn cầu (GTI), một liên minh các chính phủ, các cơ quan quốc tế, và khu vực tư nhân cùng nhau hợp tác để bảo vệ hổ khỏi sự tuyệt chủng.

(Nguồn: Theo Vnexpress )