Gấu Bắc Cực có tập quán săn bắt, sinh và nuôi con trên
mặt băng hoặc trên đất liền. Chúng thường phải di chuyển hàng trăm
kilomet qua lại giữa các tảng băng. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây,
những chuyến bơi này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của những chú
gấu con.
“Sự thay đổi khí hậu đang tách dần loài gấu Bắc Cực ra
khỏi những tảng băng, buộc chúng phải bơi đi xa hơn để tìm kiếm thức ăn
và nơi cư trú”, Chinadaily dẫn lời ông Geoff York thuộc Quỹ động vật hoang dã thế giới WWF, và là đồng tác giả của nghiên cứu nói trên.
|
Gấu Bắc Cực con bị đe dọa nghiêm trọng từ hiện tượng băng tan. Ảnh: National Geographic |
Theo ông York, đây là lần đầu tiên những chuyến bơi
của gấu Bắc Cực được đo lường một cách cụ thể. Để thu thập thông tin,
các nhà nghiên cứu đã sử dụng thiết bị vệ tinh, đính các vòng phát tín
hiệu GPS lên 68 con gấu Bắc Cực cái và theo dõi suốt từ năm 2004 đến
2009.
Kết quả, trong 6 năm, có 20 con gấu đã thực hiện tổng
cộng 50 chuyến bơi hơn 30 dặm, thậm chí có con bơi đến 426 dặm, thời
gian kéo dài đến 12,7 ngày.
Tại thời điểm đính vòng phát tín hiệu, có 11 gấu mẹ
mang theo gấu con khi bơi qua biển. Trong đó có 5 gấu mẹ đã đánh rơi con
trong suốt quá trình bơi, tương đương với tỷ lệ chết ở các chú gấu con
là 45%, cao hơn 18% so với số gấu con không bơi theo mẹ.
Ông Geoff York cho biết thêm: “Cũng như con người,
chúng (gấu Bắc Cực) không thể đóng hốc mũi lại trong khi bơi. Đối với
gấu trưởng thành lẫn gấu con, khi lạc giữa biển và giông bão, chúng khó
có thể sống sót.”
Còn theo ông Steve Amstrup, nhà khoa học đầu ngành của
Polar Bears International, một hiệp hội chuyên bảo tồn gấu Bắc Cực,
nguyên nhân khiến gấu con ít có cơ hội sống sót là do chúng không đủ mập
để có thể giữ nhiệt khi bơi qua làn nước lạnh. Ngoài ra, vì gầy hơn gấu
mẹ nên chúng không thể nổi và giữ đầu lên trên mặt nước.
Tại Mỹ, gấu Bắc Cực được đưa vào danh sách đang bị đe
dọa trong Luật bảo vệ động vật có nguy cơ tiệt chủng (Endangered Species
Act). Trong tháng này, Canada cũng đã đưa gấu Bắc Cực vào danh sách
những loài đang bị nguy hiểm cần được bảo vệ.
Vùng Bắc Cực đang ấm lên nhanh chóng do sự tích tụ của
khí thải nhà kính, kéo theo hiện tượng băng tan. Theo Trung tâm dữ liệu
băng tuyết của Mỹ (NSIDC), vùng băng tại Bắc Cực đã hạ xuống mức thấp
thứ nhì kể từ năm 1979 trong tháng 6 vừa qua. |