Phát minh ra ôtô và máy bay chạy bằng rượu whisky Scotland
Các nhà khoa học Scotland thuộc Đại học rượu bia Edinburgh đã phát minh ra một loại nhiên liệu sinh học mới chiết xuất từ whisky có thể dùng để chạy ôtô, dựa trên một công thức nhằm tận dụng các sản phẩm phụ thải loại trong quá trình sản xuất whisky

Nhà máy chưng cất Scotland thu điện năng từ bã rượu. Ảnh: cnn.com
Nhà máy chưng cất Scotland thu điện năng từ bã rượu. Ảnh: cnn.com

TTXVN cho hay, sản phẩm mới này gọi là butanol sinh học, 1 loại nhiên liệu sinh học thế hệ mới có khả năng tạo ra điện nhiều hơn 30% so với ethanol.

Đại học rượu bia Edinburgh có kế hoạch thành lập một doanh nghiệp để sản xuất loại nhiên liệu mới này tung ra thị trường.

Giáo sư Martin Tangney, chủ nhiệm đề tài khoa học trên cho biết, ưu điểm lớn nhất của dự án này là tận dụng được chất thải của ngành công nghiệp rượu tại Scotland.

Sản xuất ethanol từ ngô gây ra sự tranh cãi ở một số nước bởi ngô là một loại lương thực và dùng ngô để sản xuất nhiên liệu có thể ảnh hưởng tới an ninh lương thực.

Trong khi đó, butanol từ phụ phẩm rượu whisky còn có ưu điểm nữa là nó có thể được sử dụng chạy ô tô thông thường mà không cần phải thay đổi động cơ cho phù hợp. Nhiên liệu này có thể được sử dụng riêng rẽ hoặc hòa với tỉ lệ 5% - 10% vào xăng dầu truyền thống.

Bên cạnh đó, nó cũng có thể được sử dụng làm nhiên liệu máy bay và làm cơ sở để sản xuất các hóa chất như acetone. Giáo sư Tangney nói thêm rằng sự ra đời sản phẩm nhiên liệu mới này sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU) đưa nhiên liệu sinh học chiếm 10% tổng số nhiên liệu được bán ra vào năm 2020.



(Nguồn: XaLuan )