Tinh vân màu hồng Omega
Bức ảnh mới về tinh vân Omega do kính thiên văn VLT (Kính thiên văn cực lớn) của Đài quan sát Nam Âu (ESO) chụp được là một trong những tấm hình rõ nét nhất chụp từ mặt đất. Những đám bụi màu hồng ở trung tâm vùng ươm sao nổi tiếng này hé lộ những chi tiết đặc biệt của cảnh đẹp không gian với những đám mây khí ga, bụi vũ trụ và những ngôi sao mới ra đời.

Tinh vân màu hồng Omega

Khí ga nhiều màu cùng với những đám bụi đen trong tinh vân Omega đóng vai trò như vật chất thô giúp kiến tạo những ngôi sao thế hệ tiếp theo. Ở vùng đặc thù này của tinh vân, những ngôi sao trẻ nhất – lấp lánh màu trắng xanh – chiếu sáng cho cả quần thể. Những vệt bụi như khói nổi lên giữa những đám mây khí ga rực rỡ. Màu đỏ hồng ở dải rộng hình mây này bắt nguồn từ khí hiđrô, vốn phát sáng dưới tác động của các chùm tia cực tím rất mạnh phát ra từ các ngôi sao trẻ và nóng.

Tinh vân Omega được biết đến với nhiều tên gọi, tùy vào thời điểm quan sát, người quan sát và hình ảnh họ nghĩ ra. Nó còn được gọi là tinh vân Thiên nga, tinh vân Móng ngựa hay thậm chí là tinh vân hình Tôm, với ký hiệu M17  NGC 6618. Cách chúng ta 6.500 năm ánh sáng, tinh vân Omega thuộc chòm sao Nhân Mã. Là mục tiêu quan sát phổ biến của các nhà thiên văn học, vùng bụi và khí ga rực rỡ này được xếp vào một trong những vùng ươm sao trẻ và năng động nhất sản sinh những ngôi sao siêu lớn trong dãy Ngân Hà.

Hình do thiết bị FORS (Thiết bị quang phổ và giảm tiêu điểm) của Antu – một trong bốn kính thiên văn đơn vị của VLT chụp. Cùng với kính thiên văn khổng lồ này, bầu không khí đặt biệt ổn định dù có chút ít mây trong quá trình quan sát, đã giúp có được những hình ảnh sinh động. Vì thế, đây được xem là một trong những tấm hình về tinh vân Omega sắc nét nhất được chụp từ mặt đất.

(Nguồn: Khoa Học )