Sản xuất nhiên liệu sinh học nhờ lò vi sóng
Các nhà khoa học Anh đã tìm ra một phương pháp xử lý rác thải sinh học qua lò vi sóng để sản xuất ra năng lượng sinh học và những hoá chất quý.

Giáo sư James Clark, trường Đại học York vừa giới thiệu một phương pháp mới, có thể dùng trong công nghiệp cũng như trong sinh hoạt. Với công nghệ này sẽ giảm được các chất phế thải của công nghiệp thực phẩm và công nghiệp hoá chất.

Ai cũng biết rằng công nghiệp thực phẩm trên quy mô toàn cầu tạo ra hàng triệu tấn phế thải hữu cơ. Một nguồn phế thải khác có bản chất hoá học tương tự là nông sản. Ví dụ ngành trồng sắn ở châu Phi đã để lại 228 triệu tấn tinh bột không được tận thu, vỏ của hạt cà phê trồng ở Ethiopia lên tới 3 triệu tấn.

Tại Braxin ngành sản xuất nước cam đóng hộp, chỉ dùng được một nửa số quả, còn một nửa do nhiều nguyên nhân trở thành phế thải. Riêng vỏ cam cũng đã lên tới 8 triệu tấn. Công ty Orange Peel Exploitation Company/OPEC (Công ty tận dụng vỏ cam) được lập ra với mục đích dùng công nghệ của các chuyên gia Đại học York để sản xuất nhiên liệu sinh học và các chất hoá học có giá trị từ vỏ cam.

Giáo sư Clark cho biết rằng, “Công nghệ gồm các giai đoạn: Nghiền vỏ cam, sau đó đặt vào trường vi sóng, như lò vi sóng gia dụng, dĩ nhiên công suất lớn hơn rất nhiều. Các bức xạ của lò vi sóng phá vỡ xenlulôzơ, giải phóng ra nhiều loại hợp chất hoá học”.

Ông đưa ví dụ, Limolin là một nguyên liệu rất quý của công nghiệp hương liệu, điều chế nước hoa. Ngoài ra những sản phẩm phụ của việc xử lý bằng sóng cực ngắn cũng có thể dùng làm nhiên liệu sinh học hoặc cồn kỹ thuật. Phương pháp này có hiệu quả nhất khi xử lý phế liệu của công nghiệp giấy-xenlulôzơ.

Các nhà nghiên cứu dự kiến cuối năm sau sẽ khởi động tại York một thiết bị thử nghiệm đầu tiên với công suất 10kg phế thải trong 1 giờ.

Công nghệ mới có khả năng áp dụng cho các dây chuyền có thiết kế tương tự, với những thông số kỹ thuật và kích thước rất khác nhau, thậm chí cả các thiết bị xách tay. Về lâu dài, người ta đã nghĩ đến một chiến lược bao quát gồm tạo ra những công nghệ sinh học mới nhất với mục đích tăng sản lượng sinh khối cũng như tăng sản xuất etanol.

Sự phát triển của công nghiệp sẽ hoàn thiện cả khâu thu hoạch. Chiến lược nói trên sẽ làm giảm việc dùng mía để sản xuất bioetanol mà thay vào nguyên liệu “cầu kỳ” đó bằng các phế liệu của nông nghiệp và lâm nghiệp.

Năm 2011 tại Frankfurt CHLB Đức, cuộc triển lãm ô tô rất lớn được tổ chức. Nét độc đáo nhất của cuộc triển lãm này là đa số mẫu ô tô trưng bày có khả năng hoạt động bằng nguồn năng lượng thay thế, không phải xăng dầu truyền thống mà là điện, pin nhiên liệu, năng lượng mặt trời, và chủ yếu là nhiên liệu lượng sinh học.

Có thể dự đoán trong những thập kỷ tới đây, ngành công nghiệp ô tô sẽ chuyển sang một thế hệ sản phẩm mới: ngoại hình gọn nhẹ, an toàn, đầy những linh kiện điện tử để tự động hoá nhiều khâu và nhiên liệu sẽ là khí sinh học, diesel sinh học, hydro và điện.

(Nguồn: Vietnamnet )