Phát minh mới: Máy đọc ý nghĩ
Điều này nghe giống như trong một tiểu thuyết giả tưởng: Người ta có thể giao lưu với nhau mà không cần lời nói, chỉ cần suy nghĩ một lát là được.

Bạn cho rằng đó là một ý nghĩ viển vông? Vậy thì bạn đã sai. Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Washington mới đây đã tuyên bố rằng, cách thức giao tiếp này đã được thực hiện thành công trong phòng thí nghiệm.

Lần đầu tiên các nhà khoa học đã có thể đem những suy nghĩ trong đầu một người thể hiện lên trên màn hình máy vi tính.


Trong tương lai, con người có thể không cần giao tiếp với nhau bằng lời nói.

Chúng ta thực sự đã có thể đọc được ngôn ngữ tư duy”, Eric C. Leuthardt, người đứng đầu nghiên cứu này nói tại buổi họp báo: “Từ một mức độ nào đó, có thể nói đây là lần đầu tiên con người thực hiện được việc ‘đọc ý nghĩ’ khám phá những suy nghĩ ẩn kín bên trong nội tâm con người”.

Bí mật của chiếc máy đọc ý nghĩ này là một thể hình trụ nhỏ được cấy vào trong não bộ của các bệnh nhân. Trên các thể hình trụ này có gắn sẵn một chương trình có khả năng nhận biết được những sóng não do não bộ tạo ra khi người bệnh nghĩ đến một loại âm thanh nào đó.

Khi người bệnh nghĩ đến một âm thanh đặc trưng nào đó (chẳng hạn ‘oo’, ‘ee’, ‘ay’, ‘a’), thể hình trụ được cài đặt sẵn chương trình này sẽ nhận ra và hiển thị lên màn hình máy vi tính. Trong quá trình làm thí nghiệm, bệnh nhân có thể thông qua những suy nghĩ của mình về một âm thanh nào đó để điều khiển sự chuyển động của màn hình máy tính.

Các nhà khoa học cho rằng, nghiên cứu này có thể ứng dụng rộng rãi đối với những bệnh nhân tổn thương não hoặc thanh đới.

Tuy nhiên, tương lai của nghiên cứu này không khỏi khiến nhiều người sởn gai ốc. Nếu như nghiên cứu này không dùng để trị bệnh cứu người thì mọi chuyện sẽ ra sao? Hãy thử tưởng tượng, sẽ đến một ngày, trong đầu của chúng ta được cấy một chiếc ống rồi sau đó, chỉ với một chiếc màn hình máy vi tính, chúng ta có thể nói chuyện với người thân ở khắp nơi trên thế giới mà không cần nói cũng không cần gõ bàn phím. Cái chúng ta cần làm chỉ là suy nghĩ.

Công trình nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí “The Journal of Neural Engineering”.

(Nguồn: VietNamNet )