Khi tìm kiếm sự sống ở một thế giới
khác, biện pháp phòng ngừa cơ bản nhất là các cơ quan vũ trụ cần bảo đảm
rằng thiết bị thăm dò không mang theo vi khuẩn của trái đất. Tuy nhiên,
đang xuất hiện mối lo ngại rằng Curiosity đã mang theo vi khuẩn.
Theo Los Angeles Times, Curiosity có thể
bị nhiễm khuẩn từ 6 tháng trước khi được phóng. Mũi khoan của Curiosity
nằm trong hộp được niêm phong, tách biệt khỏi máy khoan để tránh nhiễm
khuẩn. Tuy nhiên, một kỹ sư của NASA lo ngại rằng quá trình đáp xuống
quá phức tạp có thể khiến quá trình lắp ráp máy khoan không thành, nên
ông đã mở chiếc hộp niêm phong để lắp sẵn mũi khoan. Người kỹ sư đã thực
hiện hành động đó mà không hỏi ý kiến của nhóm điều hành chương trình
Curiosity.
Curiosity được đưa vào bên trong một khoang hình nón để đặt lên tên
lửa đẩy tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của Mỹ vào năm 2011. (Ảnh: NASA)
Các nhà khoa học của NASA lo ngại rằng
khoảng 250.000 bào tử vi khuẩn có thể sống sót sau khi Curiosity bay lên
vũ trụ và đáp xuống sao Hoả. Nếu Curiosity khoan xuống lòng đất và gặp
nước thì nhóm kỹ sư của NASA sẽ phải tính đến nguy cơ chính họ đã mang
sự sống lên sao Hoả. Điều đó có nghĩa là họ sẽ không bao giờ biết chắc
hành tinh Đỏ thực sự có sự sống hay không.
Ngay cả khi Curiosity đã mang theo vi
khuẩn từ trái đất thì khả năng chúng có thể sống sót trong môi trường
đầy bức xạ mặt trời trong vũ trụ là rất thấp. Nhưng nhiều sinh vật có
thể sống sót ngay cả trong vũ trụ và ở môi trường như sao Hoả. Động vật
chân khớp có thể sống sót tới 10 ngày trong môi trường vũ trụ, còn địa y
có thể sống tới 1,5 năm. Một số nhóm nghiên cứu vi khuẩn cũng chỉ ra
rằng, về lý thuyết, vi khuẩn có thể sống sót trên sao Hoả. Và chính
những vi sinh vật này có thể biến một hành tinh hoang vu trở thành nơi
con người sống được.