Phát hiện đám mây hình “đuôi lợn” trên dải ngân hà
Nhóm các nhà khoa học Nhật Bản thuộc Đại học Keio và Đài Thiên văn quốc gia ngày 4/9 công bố bức ảnh đám mây khí tạo thành những vòng xoáy hết sức đẹp mắt ở trung tâm của dải ngân hà, cách Thái Dương hệ khoảng 30.000 năm ánh sáng.

Hình ảnh đám mây phân tử giống với "đuôi lợn" do các nhà khoa học Nhật Bản chụp được ở trung tâm dải ngân hà.
Hình ảnh đám mây phân tử giống với "đuôi lợn" do các
nhà khoa học Nhật Bản chụp được ở trung tâm dải ngân hà.

Với hình thù mà đám mây phân tử này tạo ra, các nhà khoa học gọi nó với cái tên “đuôi lợn". Họ đã dùng kính viễn vọng điện từ đặt tại Trạm quan sát vũ trụ Nobeyama ở tỉnh Nagano chụp lại hình ảnh đám mây phân tử này.

Chiều dài của toàn bộ đám mây lên tới 60-70 năm ánh sáng trong khi đường kính vòng mà chiếc “đuôi lợn” uốn lượn vào khoảng 50 năm ánh sáng. Chiếm phần lớn thành phần cấu tạo của “đuôi lợn” là khí hydro với số lượng tương đương của hàng chục nghìn Mặt Trời cộng lại.

Nhiều khả năng đám mây hình "đuôi lợn" này là sản phẩm của sự hòa trộn giữa hai đám mây khí lớn cuộn lại với nhau ở trung tâm của dải ngân hà. Theo các nhà khoa học, vòng xoáy này có thể đã ra đời từ cách đây 1,8 triệu năm.

(Nguồn: khoa hoc )