Bắt ong bầu là tự phá hoại mùa màng
Tại Hà Tĩnh đang xuất hiện tình trạng một số người dùng lưới, mồi nhử để bắt ong bầu và bán cho các đầu nậu xuất sang Trung Quốc với giá... 1 triệu đồng/kg khô.

Ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam thảng thốt: “Bắt hết ong bầu là tận diệt con giống, là giết hết loài thụ phấn cho cây trồng. Lúa, ngô, táo… sẽ mất mùa do không được thụ phấn hoa”.

Diệt nhân lực thụ phấn

Giá trị kinh tế toàn cầu của việc côn trùng thụ phấn, hầu hết là ong chiếm đến 9,5% tổng giá trị sản lượng lương thực nông nghiệp trên toàn cầu (Ảnh: The Engineer)

Gần đây, người dân xóm 10, phường Đại Nài, Thành phố Hà Tĩnh rộ lên phong trào săn ong bầu để bán cho đầu nậu, xuất sang Trung Quốc. Họ được “lái ong” hướng dẫn cách bắt rất tỉ mỉ bằng một dụng cụ đơn giản là một chiếc bếp dầu, một tấm sắt tròn, một chiếc vợt lưới rộng và mồi nhử.

Họ chỉ cần mang ra đồng trộn mồi nhử này lên với một ít đường rồi cho lên bếp dầu đun. Khi khói từ bếp và mồi nhử bay lên theo chiều gió, trong phạm vi từ 5-10km, ong sẽ tự bay về khu vực có mồi và sa lưới.
Theo một chủ thu mua ong tại Đại Nài (Hà Tĩnh) cho biết, với mỗi cân ong tươi sẽ được mua với giá 500.000 đồng. Nếu ong được làm chết và phơi khô sẽ có giá 1 triệu đồng/kg. Số ong thu mua này sẽ được chuyển cho các đầu nậu ở Hải Phòng và bán sang Trung Quốc.

Với cái lợi trước mắt, hiện nơi đây “phong trào” tận diệt ong bầu đã lan ra đông đảo người dân.

Bà Bùi Thị Minh, Chánh văn phòng Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đúng là nhiều người dân tại một số khu vực ngoại thành Hà Tĩnh đang bắt ong bầu để bán, song cụ thể sự việc đến đâu thì cũng chưa rõ. Các cơ quan trong tỉnh đang tìm hiểu sự việc.

Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc với ông Hà Văn Thạch, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh thì ông cho biết chưa nghe thấy thông tin này.

Đừng tự hại mình

Ths Nguyễn Thị Tuyết Nhung, bộ môn Chăn nuôi, khoa Nông nghiệp và ứng dụng, Đại học Cần Thơ nói về hàng loạt những ưu điểm mà con ong bầu đem lại. Bà cho biết, trước đây những người dân trồng táo ở Trung Quốc phải thụ phấn cho táo bằng tay. Táo vẫn cho ra quả nhưng trái không ngon thơm và ngọt. Thế nhưng sau đó họ cho ong bầu vào thụ phấn, từng mùa táo bội thu với trái ngọt và thơm hơn rất nhiều. “Chỉ cần không có ong thụ phấn, lúa, ngô sẽ mất mùa. Nguy cơ mất an ninh lương thực sẽ kề cận”, bà Nhung cảnh báo.

Nuôi ong mật cũng là một cách phát triển đàn ong và tăng hiệu quả thụ phấn cho cây trồng nông nghiệp. (Ảnh: Đăng Thư)
Các nhà khoa học người Pháp cùng các nhà khoa học người Đức cũng phát hiện rằng giá trị kinh tế toàn cầu của việc côn trùng thụ phấn, hầu hết là ong, lên đến 153 tỷ bảng Anh năm 2005 đối với những loại cây trồng chính của thế giới.

Con số này chiếm đến 9,5% tổng giá trị sản lượng lương thực nông nghiệp trên toàn cầu. Nghiên cứu cũng xác định rằng sự mất dần côn trùng, nhất là ong thụ phấn có thể gây ra tổn thất cho người tiêu dùng ước tính từ 190 đến 310 tỷ bảng Anh.

Theo nghiên cứu, sự suy giảm côn trùng thụ phấn có thể ảnh hưởng đến nhiều loại cây trồng. Hoa quả và rau màu bị ảnh hưởng nhiều nhất, lên đến 50 tỷ bảng Anh.

Tại các nước có nền nông nghiệp phát triển như Đài Loan, Mỹ, Australia.... cứ đến mùa cây trái ra hoa, nông dân đã phải thuê những người nuôi đem đàn ong về để thụ phấn cho cây tại trang trại của mình, thường 1ha phải thuê 2-3 đàn ong. Giá thuê không rẻ chút nào, bình quân 20-40 USD/đàn/tháng.

Ông Đinh Quyết Tâm cảnh báo, tự tay bắt ong là người dân đang tự tay phá hoại ruộng lúa, ruộng ngô, vườn táo của mình. Người dân cần cảnh giác hơn với những ý đồ phá hoại mùa màng, lũng đoạn thị trường lương thực.
(Nguồn: dat viet )