Nhiều loài cá quý hiếm đang bị đe dọa
Cá anh vũ, cá măng, cá lợ, rầm xanh, cá hảo, cá ngựa bắc, cá lăng, cá chiên… là những loài cá quý, hiếm trên hệ thống sông Gâm. Tuy nhiên, những loại cá nói trên đều đang có tên trong sách Đỏ Việt Nam. Bảo vệ các loài cá này hiện đang là vấn đề cấp bách.

Theo thống kê của GS.TS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch hội Sinh thái học Việt Nam từ năm 1996 cho thấy sản lượng khai thác cá tự nhiên trên sông Gâm ước tính khoảng 300 tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng khai thác thực tế hiện nay thấp hơn rất nhiều.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật cũng chỉ ra, cá anh vũ (hay còn gọi là cá “tiến vua”) trên sông Gâm vẫn còn nhưng rất ít (sản lượng chỉ còn khoảng 30% so với sản lượng khai thác năm 1970-1971), thậm chí có thể còn thấp hơn nữa. Ngoài ra, các loại cá lăng, chiên, rầm xanh… có giá trị kinh tế cao nhưng cũng bị đánh bắt cạn kiệt.

Điều này cũng dễ hiểu khi đi dọc theo bờ sông đoạn thượng nguồn Cao Bằng (khu vực huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm) dài chừng 40km, bất cứ khúc sông nào cũng có thuyền chài neo giữ với các phương tiện đánh bắt cá từ đơn giản như: chài, lưới, rọ... đến những bộ xung điện, thậm chí cả thuốc (hoá chất) để bắt cá.

Những con cá lăng quý như thế này đang bị các tay chài lưới săn lùng ráo riết. ảnh Đức Kế


TS Lê Hùng Anh thuộc nhóm nghiên cứu “Đa dạng thủy sinh vật hệ thống sông Gâm- hồ thủy điện Tuyên Quang (khu vực Tây Bắc Việt Nam)” cho biết, Sông Gâm bắt nguồn từ Trung Quốc, chiều dài sông chính là 297 km, chiều dài trên địa phận Việt Nam là 217 km qua các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang. Trên sông Gâm, các hoạt động như nạn chặt phá rừng, khai thác thủy, khai thác vàng, khai thác cát sỏi, xây dựng đập hồ thủy điện, khu đô thị tập trung phát triển với lượng chất thải lớn... đã gây tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường nước sông, đồng thời ảnh hưởng tới hệ thủy sinh vật trong hệ sinh thái sông này. Trong khi đó, nơi đây rất nhiều loài cá quý hiếm đã mang lại nguồn lợi cho bà con ven sông, song lại đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Hiện chưa có nhiều nghiên cứu khảo sát về thủy sinh vật sông Gâm và hồ thủy điện Tuyên Quang giai đoạn gần đây. Các dẫn liệu về các nơi cư trú, bãi đẻ trứng, khu vực phân bố của các loài cá quý hiếm, có giá trị kinh tế, cũng như vùng nước nuôi dưỡng cá con cũng chưa được xác định một cách đầy đủ. Đặc biệt chưa có điều tra đầy đủ về điều kiện môi trường sống của sông Gâm tại khu vực Na Hang và một phần của Chiêm Hóa, Tuyên Quang sau khi có hồ thủy điện Tuyên Quang.

Công tác bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên sinh vật trên hệ thống sông Gâm-Hồ thủy điện Tuyên Quang chưa được quan tâm nhiều. Do vậy, việc nghiên cứu và xây dựng giải pháp bảo tồn, quản lý cho hệ thống sông Gâm-hồ thủy điện Tuyên Quang thành Khu bảo tồn vùng nước nội địa để bảo vệ các nơi sinh cư quan trọng, có ý nghĩa sống còn với đời sống thủy sinh
(Nguồn: datviet )