Nước sông rút thấp kỷ lục, kèm theo màu xám bất thường và có mùi hôi nồng đã khiến nhiều hộ dân trồng rau ven sông và các đơn vị thi công, sản xuất có sử dụng nước sông không khỏi lo ngại về sự bất thường của dòng chảy và chất lượng nguồn nước tác động đến đời sống của người dân. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Bà Nguyễn Thị Trâm, một trong số nhiều hộ trồng rau ven sông thuộc phường Kim Tân, thành phố Lào Cai cho biết, từ sáng 15/3, dòng sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai tiếp tục cạn thấp nước xám đen, kèm bọt đục nổi đầy trên mặt nước và mùi hôi thối nồng nặc. Quan sát dài hơn từ địa phận phường Duyên Hải (thành phố Lào Cai) đến xã Sơn Hà, Sơn Hải (Bảo Thắng) dọc hai bờ sông trơ đá cặn bẩn đọng lại thành lớp bùn đen dày chừng 0,5-1cm, mùi thối và tanh. Những công nhân đang thi công công trình kè sông khu vực dưới chân cầu Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) thường xuyên có mặt tại bờ sông khẳng định dòng sông Hồng xuất hiện màu đục khoảng từ hai tuần nay, nhưng không điển hình lắm vì ai để ý kỹ mới phát hiện ra. Tuy nhiên hai ngày nay, khi nước cạn sâu, mặt sông nhiều nơi bắt đầu nổi váng bẩn, ven bờ bị phủ một lớp bùn đen khá dày, bốc mùi hôi nặng nhất là vào lúc sáng sớm và chiều muộn. Khu vực A Mú Sung cách thành phố Lào Cai khoảng 60km hiện tượng váng đục và mùi hôi khó chịu còn trầm trọng hơn. Theo nhận định của cơ quan chức năng, nước cạn thấp có thể là do phía đầu nguồn tích nước làm thủy lợi, thủy điện. Còn mùi hôi thối có thể do ảnh hưởng của chất thải từ các nhà máy chế biến nông sản phía thượng nguồn. Tuy nhiên, để nhận định có cơ sở, rất cần các cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh, nhất là kiểm tra chất lượng nước. |