10 loài "thủy quái" ở Việt Nam
Các sông suối và vùng biển Việt Nam tồn tại nhiều loài cá hết sức lạ lùng. Quả thực, sự “quái dị” của chúng có thể khiến con người phải giật mình.

Khi bị đe dọa, cá nóc nhím hút nước vào một chiếc túi trong dạ dày và toàn bộ cơ thể phình to như một quả bóng đầy gai nhọn khiến cho kẻ săn mồi “bó tay” không dám đụng vào. Không chỉ vậy, một số loài cá nóc nhím còn chứa độc tố cực mạnh trong nội tạng. Bất chấp điều này, chúng vẫn là món ăn khoái khẩu của người dân một số tỉnh miền Trung Việt Nam.



Đúng như tên gọi của mình, cá mặt quỷ có hình thù xấu xí đến kinh người với những chiếc gai lởm chởm trên tấm thân hết sức thô kệch. Tuy vậy, trái với bề ngoài khủng khiếp đó, thịt cá mặt quỷ ngon lạ lùng, chắc, dai và ngọt như thịt gà, lại có phần giòn giòn như tôm hùm. Điều đó khiến cá mặt quỷ trở thành mặt hàng “hot” được nhiều nhà hàng cao cấp thu mua. Điều duy nhật phải cẩn thận là người nào bị vây lưng của cá đâm vào da thịt sẽ phải nhập viện khẩn cấp để trị độc.




Nếu nhìn thấy lần đầu, hẳn sẽ ít ai tin cá ngựa là một loài cá bởi hình thù cực kỳ đặc biệt của chúng. Không những vậy, chúng còn là loài động vật có tập tính hết sức ngược đời: con đực "mang thai" và sinh con hộ con cái. Không rõ có phải do sự dị thường của mình không mà từ nhiều đời nay loài cá này được người dân ở khu vực Đông Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam coi là một loại thần dược.




Bám chặt vào những tảng đá như một thỏi nam châm bám vào sắt, cá bám đá có thể sinh sống ở những nơi có dòng chảy rất xiết của sông suối vùng Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ). Chúng có khả năng đặc biệt này do những giác hút nằm ở mặt dưới của cơ thể. Dù nhỏ, nhưng thịt cá rất ngon, được coi là một đặc sản của địa phương. 


Có mặt tại nhiều vùng biển của Việt Nam, cá bơn có thân hình “bẹp dí” như một quả chuối bị dẫm nát với hai con mắt nằm trên cùng một bên cơ thể, trái với quy tắc đối xứng hai bên của các loài các loài cá khác. Cá bơn cũng có khả năng thay đổi màu sắc cho giống với màu nền đáy biển, nơi chúng thường vùi thân xuống để lẩn trốn kẻ thù và săn mồi. 


Với chiều dài khó tin (có thể đạt đến 12m) với những chiếc râu màu đỏ vắt ngược trên đầu, cá đai làm nhiều đi biển sợ chết khiếp vì lầm tưởng nó là loài rắn biển khổng lồ hay quái vật biển. Vào tháng 7/2011, một con cá đai biển dài 4m được ngư dân Thanh Hóa đánh bắt đã khiến nhiều người sửng sốt khi chứng kiến. Theo phong tục địa phương, con cá trên đã được đem chôn cất theo nghi lễ.


Là cá nước lợ, cá thòi lòi xuất hiện tại nhiều khu rừng ngập mặn tại Cần Giờ, đất mũi Cà Mau, U Minh Thượng… Ngay từ hình dáng, cá thòi lòi đã tỏ ra “dị hợm” so với các loài cá thông thường bởi đôi mắt lồi như mắt ếch, nhô hẳn trên đỉnh đầu. Nhưng điều lạ lùng khiến cá thòi lòi chẳng giống bất cứ loài cá nào là ở chỗ chúng có thể sống, chạy, nhảy và kiếm mồi ngay trên cạn một cách rất điêu luyện nhờ đôi vây trước có hệ cơ phát triển đóng vai trò như một đôi “tay”. 


Thuộc họ cá mập, cá nhám voi giữ quán quân về sự khổng lồ trong thế giới các loài cá khi có thể dài tới 20m, nặng 14 tấn. Không giống như vẻ ngoài dáng sợ của mình, chúng lại là một loài cá hiền lành và vô hại, chỉ ăn các loài động vật nhỏ được lọc qua miệng. Bơi lội rất chậm, đôi khi chúng bơi vào vùng gần bờ biển ở Việt Nam và bị sóng đẩy dạt vào mắc cạn trên bãi cát. Ngư dân tại nhiều địa phương chôn cất loài cá này theo tục lệ thờ cá Ông.


Khi nhìn từ xa, cá mặt trăng có thể khiến người thợ lặn giật mình lầm tưởng là một “vật thể lạ” trong lòng đại dương vì hình thù “không giống ai” của mình. Đặc biệt là khi chúng trưởng thành cực đại, với chiều dài trên 5m và nặng 1 tấn rưỡi.  Ở Việt Nam, cá mặt trăng phân bố ở Vịnh Bắc bộ (khu vực quần đảo Bạch Long Vĩ).


Quả là những khoảnh khắc kỳ diệu trên biển Đông khi người đi tàu nhìn thấy một đàn cá lấp lánh ánh bạc đột ngột “bay” lên từ mặt biển. Có đế hàng trăm con cá như vậy. Chúng phóng lên không trung cách mặt nước vài mét rồi bay xa vài chục mét, thậm chí trên trăm mét. Loài cá biết bay này được gọi là cá chuồn. Đôi cánh của chúng chính là đôi vây ngực rất dài và rất khỏe.
(Nguồn: ĐVO )