Động vật bất tử lộ diện
Trong lúc những bộ óc xuất sắc nhất của loài người vẫn đang mải mê tìm kiếm thuốc trường sinh thì có vẻ như một loài động vật có bộ óc cực kỳ đơn giản đã tận hưởng cuộc sống bất tử suốt hàng triệu năm qua.

Trang web của Đại học Nottingham tại Anh cho biết, các nhà khoa học của trường nhận thấy loài giun dẹt thuộc nhóm giun Schmidtea mediterranea - sống bên dưới các tảng đá trong ao, hồ có nhiều đặc điểm kỳ lạ. Nếu cơ thể chúng bị cắt làm đôi, sau một thời gian chúng sẽ phát triển thành hai cơ thể mới. Mọi bộ phận trên cơ thể giun dẹt đều có thể tái sinh, kể cả đầu. Vì thế, trong trường hợp đầu của chúng bị cắt, thân mới sẽ mọc ra từ đầu và đầu mới sẽ mọc ra từ phần thân. Ngoài ra quá trình lão hóa dường như không xảy ra trên cơ thể giun dẹt.

Tiến sĩ Aziz Aboobaker, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho rằng, về mặt lý thuyết, nếu cơ thể không bị cắt hay thương tổn thì những động vật như giun dẹt Schmidtea mediterranea sẽ chỉ chết nếu chúng mắc bệnh.

"Tôi cho rằng chúng là động vật bất tử", Aboobaker bình luận.

Mọi bộ phận trên cơ thể giun dẹt Schmidtea mediterranea đều có thể tái sinh.
Mọi bộ phận trên cơ thể giun dẹt Schmidtea mediterranea đều có thể tái sinh.

Giun dẹt Schmidtea mediterranea có bộ não đơn giản, được tạo nên bởi những tế bào thần kinh, trong đầu. Khi đầu bị cắt, tế bào gốc từ cơ thể sẽ biến thành tế bào thần kinh để tái tạo não mới.

Phát hiện của Đại học Nottingham có thể dẫn đến nhiều ứng dụng ý nghĩa. Chẳng hạn, các nhà khoa học có thể nghiên cứu chúng để tìm ra những loại thuốc kéo dài tuổi thọ và chống những căn bệnh do tuổi già.

Thứ đóng vai trò chủ chốt trong quá trình lão hóa sinh học là những cấu trúc siêu nhỏ có tên telomere. Chúng nằm ở đoạn cuối của các nhiễm sắc thể. Mỗi khi một tế bào phân chia, chiều dài của telomere sẽ giảm một chút. Cuối cùng, khi telomere ngắn tới một mức nào đó, tế bào sẽ chết. Elizabeth Blackburn, nhà sinh học tế bào mang quốc tịch Mỹ và Australia từng đoạt giải Nobel Y học vào năm 2009, ví các telomere giống như đầu mút của dây giày. Khi đầu mút hỏng hoặc văng ra, dây giày bắt đầu sờn.

Nhưng độ dài telomere của giun dẹt không hề thay đổi theo thời gian. Nhờ đó tế bào của chúng chẳng những không bao giờ chết mà còn có thể phân chia vô số lần. Vì thế chúng chẳng bao giờ già.

Kết quả nghiên cứu của Đại học Nottingham được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

(Nguồn: Vnexpress )