| Khói bốc lên từ đảo mới giữa Biển Đỏ vào ngày 23/12. Ảnh: NASA. |
Erik Klemetti - một nhà nghiên cứu núi lửa của Đại học Denison tại Mỹ - nói rằng nhiều ngư dân thấy dung nham phun lên từ các hố dưới đáy Biển Đỏ vào ngày 19/12. Hoạt động phun dung nham xuất hiện dọc theo nhóm đảo nhỏ Zubair gần bờ biển Yemen. Độ cao của nhiều cột dung nham lên tới 30 m, AP đưa tin. Hai vệ tinh nhân tạo Terra và Aqua của Mỹ chụp được cảnh tượng những cột khói bốc lên vào ngày 20 và 22/12. Vệ tinh Aura của Mỹ ghi nhận nồng độ sulfur dioxide (SO2) trong không khí phía trên những cột khói tăng. SO2 là khí thoát ra từ núi lửa khi chúng hoạt động. Tới ngày 23/12, một thứ giống như đảo xuất hiện gần bờ biển phía tây của Yemen. Hòn đảo mới hình thành từ một núi lửa dưới đáy Biển Đỏ và nhô lên. “Tôi ngạc nhiên vì đảo hình thành quá nhanh”, Klemeti nói với trang Our Amazing Planet. Những đảo được tạo nên bởi dung nham của núi lửa dưới đáy biển thường biến mất nhanh chóng bởi hiện tượng xói mòn do sóng gây nên. Nhưng nếu tốc độ phun dung nham lớn hơn tốc độ xói mòn thì đảo có thể tồn tại lâu, Klemeti cho hay. Hàng loạt đảo mới được sinh ra từ núi lửa dưới biển không biến mất bởi hiện tượng xói mòn. Đảo Surtsey của Iceland, đảo Anak Krakatau của Indonesia là hai trong số đó. |