| Những tảng băng trôi nổi trên bề mặt Bắc Băng Dương. Ảnh: earthtimes.org. |
Igor Semiletov, một nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Nga, nói với báo The Independent của Anh rằng giới khoa học chưa từng chứng kiến sự xuất hiện của những đám khí metan lớn đến thế. “Từ trước tới nay chúng tôi chỉ phát hiện những đám khí có đường kính vài chục mét. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy những đám khí trồi lên liên tục, mạnh mẽ và có đường kính hơn 1.000 mét”, Semiletov nói. Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Nga phát hiện hơn 100 đám khí metan, song họ ước tính có thể vài nghìn đám khí đã xuất hiện trong khu vực từ phần đất liền của Nga tới vùng Đông Siberia thuộc thềm băng Bắc Cực. “Trong một khu vực rất nhỏ, với diện tích chưa tới 16.000 km2, khí metan thoát ra từ hơn 100 vị trí dưới đáy biển. Khí nổi lên mặt nước và lọt vào bầu khí quyển”, Semiletov kể. Giới khoa học lo ngại hiện tượng băng ở Bắc Cực tan chảy do biến đổi khí hậu sẽ khiến nhiều mỏ khí metan lộ ra, giải phóng lượng khí metan lớn nhất trong lịch sử vào khí quyển. Nồng độ khí metan - một loại khí gây hiệu ứng nhà kính - trong không khí càng lớn thì tốc độ ấm lên của trái đất càng tăng. Trong cùng một khoảng thời gian và với cùng khối lượng, khí metan làm ấm trái đất gấp 23 lần so với khí CO2. |