Thời của ứng dụng di động tỷ đô đang đến
3 năm về trước, vì quá thất vọng và bực bội do không tìm được việc làm thêm trong mùa hè, chàng sinh viên Cameron Banga của trường Đại học Valparaiso đã quyết định làm một công việc mà ít ai nghĩ đến đó là: Viết ứng dụng.
- So với việc thiết kế một smartphone hay viết một phần mềm máy tính thì ứng dụng di động dễ phát triển hơn rất nhiều.
- Tuy vậy thì ngành công nghiệp ứng dụng di động cũng không phải là một miếng bánh dễ xơi.
 
 
 
 
 

3 năm về trước, vì quá thất vọng và bực bội do không tìm được việc làm thêm trong mùa hè, chàng sinh viên Cameron Banga của trường Đại học Valparaiso đã quyết định làm một công việc mà ít ai nghĩ đến đó là: Viết ứng dụng.
 
Đó thực sự là một ý tưởng điên rồ bởi iPhone của Apple lúc đó chỉ mới ra đời 2 năm và gian hàng số App Store dành cho chiếc smartphone của Apple cũng mới chỉ được chính thức hoạt động từ mùa hè năm trước. Với hy vọng sẽ bán được các sản phẩm của mình trên App Store, Banga đã cùng với 2 người bạn học của mình bắt tay vào việc phát triển các ứng dụng. Thời điểm đó, Banga chỉ có trong mình sự tự tin chứ chưa hề có một chút kinh nghiệm nào cả. Vì thế, chàng sinh viên trường đại học Valparaiso đã theo dõi một lớp học cơ bản về khoa học máy tính ở trên Internet để có những kiến thức nền tảng trong việc tạo ra một ứng dụng.
 
 
Bằng sự quyết tâm cùng niềm đam mê học hỏi của Banga và những người bạn của mình đã viết ra ứng dụng kiểm soát pin Battery Go! dành cho iPhone. Những nỗ lực của họ đã được tưởng thưởng một cách xứng đáng khi mà chỉ trong vòng 36 giờ sau khi chính thức phát hành, phần mềm miễn phí này đã nhảy vọt lên vị trí 70 để lọt vào danh sách top 100 ứng dụng dành cho iPhone. “Đó dường như một khoảnh khắc vàng”, Banga nhớ lại.“Chúng tôi đã thực sự may mắn khi có ý tưởng tốt vào đúng thời điểm”.
 
Banga và hai người bạn đã trở thành thành viên của cái gọi là “nền kinh tế ứng dụng”, một mảng trong ngành công nghiệp phần mềm đang phát triển rất nhanh. Theo một nghiên cứu gần đây, ngành công nghệp ứng dụng đã đạt tới 20 tỷ USD doanh thu, thu hút tới 466.000 nhân lực và vẫn chưa hề có dấu hiệu ngừng lại. Trong một quốc gia còn đang gặp khó khăn trong việc giải quyết các bài toán kinh tế như Mỹ thì ngành công nghiệp ứng dụng này có thể đóng vai trò là một đòn bẩy cho thị trường lao động nước này.
 
"Bất cứ khi nào chúng ta tạo ra một lĩnh vực mới, chắc chắn sẽ có những thay đổi mang tính cách mạng"Paul Saffo, Giám đốc quản lý của một công ty đầu tư phân tích có trụ sở tại San Francisco cho hay."Và những thay đổi này sẽ gây ra nhiều hiệu ứng cho nhiều ngành công nghiệp khác."
 
Về cơ bản, ứng dụng là một nhóm các chương trình phần mềm giá rẻ, dung lượng nhẹ, được thiết kế để sử dụng cho các thiết bị di động, người dùng có thể tải về các chương trình này một cách dễ dàng. Những ứng dụng di động trên App Store thường có giá chỉ 0,99 USD. Không chỉ kiếm tiền từ việc bán các ứng dụng nhiều công ty sản xuất phần mềm cũng chọn một lối đi khác khi dựa vào nguồn thu quảng cáo đến từ những ứng dụng miễn phí.
 
 
Tuy tên tuổi của các công ty phát triển ứng dụng hàng đầu không được nhiều người biết đến nhưng các sản phẩm của họ như game hay các công cụ mạng xã hội lại được những người sử dụng smartphone hay tablet nắm rõ. Từ FarmVille của Zynga, Angry Birds của Rovio hay mới đây là ứng dụng chia sẻ hình ảnh di động Instagram, tất cả dường như đều là những ứng dụng phổ biến có thể đáp ứng nhu cầu hàng ngày của rất nhiều người. Việc Instagram đổ bộ lên hệ điều hành Android trong khi còn đang làm mưa làm gió trên iOS của Apple với 30 triệu người dùng cùng với thông tin được Facebook mua lại với giá 1 tỷ USD cũng đã mở ra một thời kỳ mới dành cho các ứng dụng di động.
 
“Thực ra, cái chúng ta đang nói đến chính là một sự chuyển đổi lớn về cách sống của con người”, Michael Mandel, nhà chiến lược kinh tế của Viện chính sách tiên tiến Progressive Policy Institute, một tổ chức chuyên gia cố vấn của Washington, cho hay. Michael Mandel cũng là tác giả của một nghiên cứu cho thấy có gần 500.000 nhân lực hoạt động có liên quan đến nền kinh tế ứng dụng.
 
 
Các hãng công nghệ lớn thường đóng vai trò là mỏ neo cho ngành công nghiệp này bởi họ sẽ đưa ra các nền tảng mà các ứng dụng sẽ hoạt động trên đó. Chúng ta có thể kể đến một số nền tảng phổ biến như Android của Google, iOS của Apple hay Windows Phone của Microsoft.
 
Một đặc điểm thuận lợi của nền kinh tế ứng dụng này là các hãng phần mềm non trẻ sẽ gặp ít khó khăn hơn khi mới tham gia bởi không như giống như việc thiết kế một chiếc smartphone hay viết ra phần mềm máy tính, các ứng dụng di động thường có chi phí và thời gian phát triển không lớn. Do vậy mà ngày càng có nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực ứng dụng di động này.
 
“Chúng ta sẽ khó có thể tạo ra một phần mềm máy tính trong 1 tháng, rồi bán và kiếm được tiền ngay”,Banga nói. Sự dễ dàng trong việc mua ứng dụng cùng mức giá thấp đã khiến người tiêu dùng dễ dàng mua các ứng dụng di động này hơn. Từ đó dẫn đến một kết quả là cuộc cách mạng ứng dụng di động đang diễn ra ngày một nhanh hơn, rộng hơn và mạnh mẽ hơn so với cuộc cách mạng máy tính cá nhân trong những năm 1980.
 
 
Tuy nhiên thì chi phí hoạt động thấp cũng đồng nghĩa với việc các công ty phát triển ứng dụng di động có thể nhanh chóng biến mất. Một ví dụ điển hình chính là công ty đầu tiên của Banga, CollegeKidApp.com. Sau khi tốt nghiệp, những người sáng lập ra công ty này đã chia tay nhau và sau đó Banga đã lập ra một công ty phát triển và thiết kế ứng dụng mới mang tên 9magnets LLC cùng nhóm làm việc mới. Ngay trong năm tài chính đầu tiên, 9magnets đã mang về doanh thu lên tới 6 chữ số và có khả năng tồn tại được nhưng để giữ được doanh thu ổn định trong nền kinh tế ứng dụng di động thì không phải là một việc dễ dàng cho lắm.
 
“Hầu hết các nhà phát triển ứng dụng mới đều dễ được thành lập và cũng nhanh chóng phá sản một thời gian ngắn khi không kiếm được đủ doanh thu, điều đó cũng rất phổ biến đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ”, David Truog, phó chủ tịch và là giám đốc nghiên cứu của hãng Forrester Research cho hay. “Nhưng đó là sự chuyển đổi tự nhiên trong thị trường mới và nó đang tạo ra những cơ hội mở cho nhiều người”.
 
Thế nhưng các công ty tạo ra nền tảng lại có được sự phát triển ổn định hơn đơn cử như Facebook. Năm 2011, mạng xã hội lớn nhất hành tinh này thu được 4 tỷ USD doanh thu và lãi 1 tỷ USD. Justin Smith người sáng lập Inside Network, một công ty tin tức và nghiên cứu thị trường ở San Francisco cho biết: "Chúng tôi dự tính giá trị hàng hóa ảo của Facebook sẽ đạt 2,1 tỷ USD ngay trong năm nay chỉ tính riêng ở Mỹ."
 
 
Saffo, một chuyên gia nghiên cứu cũng cho hay: "Dự đoán sẽ phải mất từ 5 đến 10 năm nữa để nền kinh tế ứng dụng di động trưởng thành, nó đang phát triển nhanh chóng và số lượng các thiết bị cũng đang ngày một nhiều hơn. Bất kỳ ai đánh giá thấp giá trị của cuộc cách mạng ứng dụng sẽ là một sai lầm lớn”.
(Nguồn: genk.vn )