Nga thay thế tên lửa 'Quỷ sa tăng' RS-20
Theo hãng tin Izvestia, cuối năm 2011, Bộ Quốc phòng Nga sẽ đặt hàng tên lửa đường đạn nhiên liệu lỏng mới nhằm thay thế thế hệ tên lửa RS-20 "Tướng quân".

Đây là loại tên lửa đường đạn nổi tiếng mà Phương Tây gọi là "Quỷ Sa tăng". Trong chương trình mua sắm vũ khí của Nhà nước, dự án mới này có tên “Đột phá” hoặc “Không tránh khỏi”.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nga hoàn tất việc soạn thảo các thông số kỹ thuật cho tên lửa mới để phòng Thiết kế Makeev đưa ra thiết kế cuối cùng.

Phòng Thiết kế cho biết tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng này sẽ hơn hẳn RS–20 “Tướng quân”,  nó có thể mang 15 đầu đạn loại trung bình hoặc 10 đầu đạn hạt nhân hạng nặng đi hơn 10.000km. Các đầu đạn này được dẫn độc lập vào các mục tiêu khác nhau.

Trong khi đó nó sẽ vẫn được bố trí trong các hầm phóng mà hiện nay các tên lửa “Tướng quân” đã 30 tuổi đang trực chiến. Các tên lửa “Đột phá” cũng sẽ được phóng lên tương tự như RS–20: một lượng thuốc phóng chuyên dùng đặc biệt sẽ đẩy tên lửa lên độ cao 20–30m phía trên hầm phóng, sau đó động cơ tầng thứ nhất sẽ được khởi động.

Điểm nhấn chủ yếu khi chế tạo tên lửa mới là khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ chống tên lửa tương lai, kể cả các hệ thống đánh chặn laser,– cựu tham mưu trưởng bộ đội tên lửa chiến lược, chuyên viên trong lĩnh vực tên lửa vượt đại châu Viktor Esin nói với báo Izvestia. Để đạt được điều đó tên lửa mới sẽ sử dụng rất nhiều phương tiện kỹ thuật vượt qua hệ thống phòng thủ chống tên lửa mới hiện đại nhất.

    

RS-20 chuẩn bị rời khỏi vị trí trực chiến vào viện bảo tàng.


Dự kiến tên lửa sẽ được sản xuất ở nhà máy chế tạo máy Krasnoyarsk, nơi hiện đang chế tạo các tên lửa nhiên liệu lỏng “Thanh thiên” (Azure) và “Con tàu” (Liner).

Chương trình trang bị vũ khí đến năm 2020 chi 77 tỷ Rub để tổ chức sản xuất hàng loạt các tổ hợp tên lửa mới. Trong số tiền này, riêng cho phát triển các xí nghiệp là 15 tỷ Rub.

Nhà máy chế tạo máy Krasnoyarsk sẽ nhận được một nửa số tiền này để hiện đại hoá sản xuất chuẩn bị chế tạo loại tên lửa mới. Những khoản đầu tư như vậy sẽ tăng mạnh số tên lửa được sản xuất trước năm 2013 từ 5-7 lên 20–30 quả/năm.

Đáng lưu ý là nhà máy chủ trì dự án – Phòng thiết kế mang tên Makeev đến nay chuyên nghiên cứu chế tạo tên lửa cho tàu ngầm và “Đột phá” sẽ trở thành dự án tên lửa phóng từ mặt đất đầu tiên.

Cách đây không lâu, phòng thiết kế này đã cung cấp cho hạm đội tên lửa đường đạn xuyên lục địa mới RSM–54 “Thanh thiên”, trang bị cho tàu ngầm dự án 667BDRM loại “Cá heo”.

Tên lửa nhiên liệu lỏng này được coi là một trong những tên lửa tốt nhất trong những tên lửa cùng loại theo tiêu chí “khối lượng tên lửa so với khối lượng được phóng đi”. Với khối lượng 40 tấn, tên lửa mang được 10 đầu đạn hạt nhân đến mục tiêu xa 11.000km.

Dựa trên tên lửa “Thanh thiên”, phòng thiết kế đã sản xuất một tổ hợp khác mang tên “Con tàu”, có những hệ thống vượt qua tuyến phòng thủ chống tên lửa tốt hơn. “Con tàu” đã thử nghiệm những đầu đạn mới, sức công phá lớn hơn, những đầu đạn này sẽ là loại chính khi chế tạo tên lửa “Đột phá”.

Đồng thời một cơ sở nghiên cứu chế tạo tên lửa Nga khác – Viện Kỹ thuật nhiệt Moscow (MIT), nơi chuyên chế tạo tên lửa phóng từ mặt đất, đang gặp khó khăn khi hoàn tất dự án hải quân đầu tiên của mình – “Quả chuỳ” (Mace).

Giáo sư Học viện khoa học quân sự Vadim Kozyulin (Vadim Kozyulin) bày tỏ ý kiến: “Thật khó hiểu, là Phòng thiết kế “hải quân” lại nghiên cứu tên lửa “lục quân” (phóng từ mặt đất). Không rõ liệu chúng ta có sẽ gặp lại tình huống của “Quả chuỳ” lần nữa không, khi vì MIT thiếu kinh nghiệm về tên lửa “hải quân” mà thời hạn bàn giao “Quả chuỳ” đã mấy lần bị lùi lại”. Tag: Vũ khí chiến lược, vũ khí hủy diệt lớn, tên lửa đường đạn vượt đại châu

Tên lửa RS–20 “Tướng quân” được coi là tên lửa mạnh nhất và hiệu quả nhất trong số các tên lửa đường đạn vượt đại châu trên thế giới. Khối lượng của tên lửa là 200 tấn, tầm bắn 11 nghìn Km. Tên lửa mang 10 đầu đạn hạt nhân sức công phá 550 kilôtôn mỗi đầu đạn.

Sức công phá của tên lửa đủ để san bằng khỏi mặt đất thành phố cỡ NewYork hoặc thậm chí cả một nước. Tên lửa không chịu tác động của xung điện từ, điều làm cho nó trở thành vũ khí tin cậy đế đánh trả trong trường hợp Nga bị xâm lược. Chính vì vậy mà phương Tây gọi nó là “Quỷ Sa tăng”– “hiệp sĩ của ngày tận thế”.

Tuy nhiên “Tướng quân” đang già đi. Những quả tên lửa đầu tiên được đưa vào trang bị cho quân đội năm 1970 và quả cuối cùng vào đầu những  năm 1990 (nước Nga có tất cả 58 quả). Chúng được lắp 580 đầu đạn trong số 1,5 nghìn được phép theo hiệp ước mới Nga – Mỹ về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (tiếng Nga viết tắt là SNV (СНВ)). Tuy nhiên, các tên lửa “Tướng quân” có thể trực chiến cho đến khi có được những tên lửa thế hệ mới, vì tên lửa “Tướng quân” định kỳ vẫn được kéo dài niên hạn sử dụng.

Nguyễn Vũ (theo Izvestia)
(Nguồn: )