Điều tra 'di cốt dã nhân'
Một nhóm chuyên gia sẽ sử dụng công nghệ phân tích gene tóc, xương của những sinh vật được cho là dã nhân trong một bảo tàng tại Thụy Sĩ.
Hình minh họa dã nhân. Đồ họa: BBC.
Hình minh họa dã nhân. Đồ họa: BBC.

Người dân tại nhiều nước đồn đại về sự tồn tại của những sinh vật hình người nhưng có kích thước to lớn. Chúng sống trong rừng hoặc những nơi hoang dã và hiếm khi xuất hiện trong tầm quan sát của chúng ta. Chẳng hạn, vào năm 1951, một đoàn thám hiểm đã tới đỉnh Everest tại Nepal và trở về với những bức ảnh về các dấu chân cực lớn. Người ta gọi chúng bằng nhiều tên - như dã nhân, người tuyết, sasquatch, người khổng lồ.

Bernard Heuvelmans, một nhà sinh học mang hai quốc tịch Pháp và Bỉ, đã sưu tầm những mẫu vật liên quan tới sinh vật hình nhân khổng lồ từ năm 1950 tới tận khi ông qua đời năm 2001. Bảo tàng Động vật Lausanne tại Thụy Sĩ đang giữ bộ sưu tập của Heuvelmans. Mới đây bảo tàng này đã mời các chuyên gia về di truyền của Đại học Oxford tại Anh tham gia nỗ lực xác định nguồn gốc của xương, tóc trong bộ sưu tập, BBC đưa tin.

Bryan Sykes, giáo sư về di truyền của Đại học Oxford tại Anh, nói rằng ông và các đồng nghiệp sẽ áp dụng những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực phân tích gene để kiểm tra ADN trong bộ sưu tập của nhà sinh học quá cố.

"Kỹ thuật phân tích gene hiện đại có thể tạo ra kết quả đáng tin cậy từ một phần nhỏ của sợi tóc", Sykes tuyên bố.

Nhiều người từng tuyên bố họ phát hiện di cốt hay dấu vết của dã nhân. Song các kết quả nghiên cứu cho thấy chúng chỉ là di cốt hay dấu vết của người thường. Vì thế giáo sư Sykes không đưa ra bất kỳ dự đoán nào về kết quả của cuộc điều tra mà ông cùng các cộng sự sắp tiến hành. Mặc dù vậy, Sykes hy vọng nỗ lực của nhóm sẽ làm tăng hiểu biết của giới khoa học về sự tương tác giữa nhiều chủng người trong quá khứ.

"Trong hai năm qua chúng ta nhận ra rằng người thông minh và người Neanderthal (đã tuyệt chủng) từng giao phối với nhau. Ngày nay gene của mỗi người châu Âu chiếm khoảng 2 tới 4% DNA của người Neanderthal", ông nói.

(Nguồn: vnex )